Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân

Lực lượng Công an với những đóng góp quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (bài 6)

Thứ Ba, 28/07/2020, 08:41
Khép lại một giai đoạn cách mạng, theo dòng chảy lịch sử, đất nước bước vào thời kỳ mới (1975-1986) với những thuận lợi và thách thức mới, CAND tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trải qua 20 năm, vừa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng CAND đã tiến hành một cuộc đấu tranh khẩn trương, quyết liệt, phức tạp, gay go, đánh bại cuộc chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ và tay sai; bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; trấn áp các hoạt động phá hoại, gây rối của bọn phản cách mạng và tội phạm khác; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội ở miền Bắc trong điều kiện có chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt.

Khép lại một giai đoạn cách mạng, theo dòng chảy lịch sử, đất nước bước vào thời kỳ mới (1975-1986) với những thuận lợi và thách thức mới, CAND tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đầu năm 1969, Tổng thống Níchxơn quyết định đề ra chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh”, "dùng người Việt đánh người Việt" để duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Chúng xây dựng và phát triển lực lượng công an, cảnh sát ngụy từ 20 vạn lên 30 vạn tên, 200 tổ chức tình báo gián điệp trá hình. Chúng thành lập tổ chức tình báo "Phượng hoàng" và triển khai xuống tận xã, ấp. Chúng đẩy mạnh bình định cấp tốc và sau đó là bình định phát triển…

Lực lượng trinh sát vũ trang Ban An ninh tỉnh Mỹ Tho gài mìn chống địch lấn chiếm, bảo vệ căn cứ Tỉnh uỷ, năm 1970.

Chúng mở các cuộc càn quét bịt các cửa ngõ ra vào thành phố và kiểm soát bắt bớ hết sức gắt gao. Đây là thời kỳ địch phản kích ta rất quyết liệt, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn và tổn thất.

Trước âm mưu của Mỹ, thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược của Trung ương Đảng, Đảng đoàn Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp tăng cường điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, phát hiện gián điệp trà trộn trong số cán bộ, bộ đội bị địch bắt rồi sau đó tha trở về miền Bắc.

Ngày 1/2/1969, Ban An ninh Trung ương Cục ra Chỉ thị số 06-CT về công tác nắm tình hình địch. Chỉ thị xác định: “Công tác an ninh là phải chủ động nắm toàn diện, cụ thể, chính xác về tổ chức, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của gián điệp Mỹ - ngụy, các tổ chức trá hình, các cơ quan đàn áp, bình định chiêu hàng và các đảng phái phản động, phải tập trung khai thác và thẩm tra xác minh các nguồn tin của các tổ chức quần chúng, các ngành, các giới cơ sở, tai mắt, số bị địch bắt tha về, bọn tề ngụy chạy ra vùng giải phóng để nắm tình hình phục vụ chủ động đánh bại âm mưu hoạt động gián điệp của địch. Ban An ninh Trung ương Cục đã phát động phong trào quần chúng đánh bại âm mưu của địch trong kế hoạch “Phượng hoàng”.

Thực hiện chủ trương của các cấp ủy Đảng, các Ban an ninh đã bố trí lực lượng trinh sát vũ trang và an ninh vũ trang phối hợp với quân giải phóng kiên trì bám trụ, bám dân xây dựng lực lượng cơ sở và tổ chức tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, gây cho chúng nhiều tổn thất; bảo vệ cơ sở cách mạng và các cơ quan của Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời và Mặt trận Dân tộc giải phóng.

Ngày 15/3/1972, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 165/TV-KBN “Những vấn đề cơ bản về công tác an ninh nhân dân”, chỉ rõ vị trí chiến lược, đường lối và nhiệm vụ của công tác an ninh, đồng thời khẳng định công tác an ninh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống gián điệp và phản động, Đảng phải tăng cường xây dựng ngành an ninh thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghiệp vụ. Ngành an ninh phải đảm bảo tính Đảng, tính quần chúng, tính chiến đấu.

Từ quý II năm 1972 đến hết năm 1973, Ban An ninh Trung ương Cục đã mở nhiều lớp tập huấn quán triệt nội dung Nghị quyết số 165.TV-KBN cho CBCS an ninh và cụ thể hoá từng lĩnh vực công tác an ninh như: điệp báo, bảo vệ chính trị, trinh sát vũ trang, bảo vệ nội bộ, an ninh đô thị, chấp pháp... Lực lượng an ninh toàn miền đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch.

Cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được tặng danh hiệu “Dũng sĩ” vì có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1971. (Ảnh tư liệu)

Trước thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam những năm 1971-1972 và thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

Đến đầu năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhưng đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện "Học thuyết Níchxơn" và chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", âm mưu duy trì chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Trước tình hình đó, Ban An ninh Trung ương Cục đã chỉ đạo an ninh các cấp kết hợp với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng đấu tranh chống địch càn quét, lấn chiếm, giữ vững vùng giải phóng, đồng thời khẩn trương thực hiện kế hoạch “chồm lên chiếm lĩnh”, cắm cờ giành đất, giành dân hòng “xoá thế da báo”.

Từ tháng 2/1973 đến trước chiến dịch Đông Xuân 1974- 1975, lực lượng An ninh miền Nam đã đẩy mạnh hoạt động nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho các cấp uỷ Đảng có chủ trương đối phó với âm mưu, hoạt động của địch, bóc gỡ mạng lưới tình báo gián điệp, nội gián của địch, bảo vệ các cơ quan của Đảng, các căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, kho tàng, vũ khí, đạn dược; tổ chức những trận đánh vào các đô thị, căn cứ của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Lực lượng an ninh kết hợp chặt chẽ với các lực lượng khác và sự nổi dậy của quần chúng tiến công địch, tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên, phá từng mảng đồn bốt địch, giải phóng hàng chục vạn đồng bào thoát khỏi kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng.

Tháng 3/1975, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là trận đánh then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Lực lượng an ninh đã góp phần bảo đảm bí mật kế hoạch chiến dịch đến giờ phút nổ súng, đồng thời bố trí cán bộ bám sát các mục tiêu trọng điểm, tập trung xây dựng cơ sở, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến cung cấp cho ta bản đồ thị xã, xác định hệ thống bố phòng, những mục tiêu quan trọng của địch như Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, các đồn cảnh sát để Bộ Chỉ huy Mặt trận bổ sung kế hoạch tấn công địch.

Trước giờ nổ súng, ta triển khai kế hoạch đánh nghi binh, thu hút địch về hướng Plâycu, Kon Tum. Lực lượng an ninh Đắk Lắk đã tham gia tiến công, đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Lực lượng trinh sát vũ trang bám sát các mục tiêu, đối tượng, tấn công chiếm lĩnh các cơ quan của địch, các đảng phái phản động, Ty cảnh sát, Toà thị chính và các đồn cảnh sát ở thị xã.

Thất thủ ở Tây Nguyên, địch tháo chạy về miền Trung. Bị ta tấn công trên nhiều hướng, đêm 18/3/1975, địch rút bỏ Quảng Trị chạy vào Huế và Đà Nẵng. Các lực lượng an ninh Thừa Thiên đẩy mạnh công tác nắm tình hình, mở đường và tham gia tiến công, truy kích địch, chiếm lĩnh các mục tiêu đã được phân công. Chiến thắng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã tạo thế và lực mới giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Tại chiến trường Khu V, trước khi thành phố Huế được giải phóng, Thường vụ Khu ủy đã họp hạ quyết tâm “giải phóng Khu V trong thời gian ngắn nhất”, đập tan ý đồ co cụm của địch về Chu Lai để giữ Đà Nẵng. Kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng, các lực lượng an ninh Quảng Đà triển khai bảo vệ và tham gia các hướng tiến công địch tại thị xã Tam Kỳ, chiếm lĩnh các mục tiêu theo sự phân công, đánh chiếm trại giam, giải thoát số cán bộ và Nhân dân bị địch bắt, giam giữ.

Sau khi Quảng Đà được giải phóng, 181 cán bộ chiến sĩ được huy động lên đường vào giải phóng Đà Nẵng. 3 đại đội an ninh vũ trang C111, C112, C114 và Ban An ninh Đà Nẵng phối hợp với lực lượng trinh sát vũ trang truy quét tàn binh, giữ gìn trật tự thành phố. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng. Sau Đà Nẵng, ở phía nam khu V và khu VI, lực lượng an ninh cùng quân và dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Lạt, Tuyên Đức, Lâm Đồng nổi dậy tiến công địch.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, Ban an ninh Miền đã đề ra nhiệm vụ và kế hoạch từng bước trong quá trình Tổng tiến công và chiếm lĩnh. Đồng chí Cao Đăng Chiếm, Phó Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục được bổ sung vào Bộ Chỉ huy tiền phương và là Phó Chủ tịch ủy ban quân quản, phụ trách an ninh nội chính với gần 1.500 CBCS An ninh Trung ương Cục và đặc khu.

Khoảng 1.000 cơ sở hoạt động trong các thành phố thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các hang ổ đề kháng của địch, đồng thời cùng lực lượng quân sự và quần chúng nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu, bảo vệ tài liệu chiếm được, kịp thời ổn định ANTT, sinh hoạt bình thường cho nhân dân. Ban an ninh Trung ương Cục đã chỉ đạo cho an ninh các khu, tỉnh, thành phố, huyện, xã ấp tham gia tích cực đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch, truy bắt ác ôn ngoan cố, thu giữ các tài liệu hồ sơ của địch.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, lực lượng an ninh chủ động trong công tác nắm tình hình, tham gia tiến công kìm chân địch không để chúng có điều kiện ứng cứu cho Sài Gòn, đồng thời vận động quần chúng nổi dậy diệt ác, chiếm lĩnh các cơ quan, công sở, đập tan bộ máy đàn áp, các tổ chức tình báo, gián điệp, cảnh sát, bình định... của Mỹ, ngụy.

Ngày 26/4/1975, ta bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trước sự tấn công như vũ bão của ta, bọn ngụy quân, ngụy quyền, tình báo, cảnh sát... tháo chạy tán loạn. Bọn “cố vấn” Mỹ và bọn ngụy quân, ngụy quyền cấp cao dẫm đạp nhau trốn chạy.

Trong giờ phút hấp hối của ngụy quyền Sài Gòn, một cơ sở điệp báo A10 của An ninh T4 đã tác động Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Trước khí thế áp đảo của cách mạng và sự tan rã, sụp đổ nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền và bộ máy kìm kẹp của địch, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…

Từ năm 1961 đến năm 1975, Bộ Công an đã chi viện hàng ngàn lượt CBCS hỗ trợ cho lực lượng an ninh miền Nam, giúp lực lượng an ninh miền Nam phát triển nhanh chóng, đủ sức triển khai các mặt công tác đánh địch đạt hiệu quả; nắm được nhiều kế hoạch hành quân của địch để thông báo tới các cơ quan kháng chiến chủ động sơ tán; khám phá nhiều đầu mối, kế hoạch cài cắm nội gián của Mỹ - ngụy vào các cơ quan, đoàn thể kháng chiến; diệt ác, trừ gian, đảm bảo an toàn và thông suốt cho những chuyến giao thông...

Ở miền Nam, lực lượng An ninh nhân dân đã kiên trì bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, đấu tranh kiên cường chống lại cuộc chiến tranh bình định, chiến tranh tâm lý, các hoạt động chiêu hồi, tình báo của địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước ta sang giai đoạn mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)

Nhóm PVTS
.
.