Tưng bừng lễ hội nghinh Ông ở Cà Mau

Thứ Năm, 21/03/2019, 09:04

Ngày 20-3 (tức 15-2 âm lịch), tại cảng cá sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), đã diễn ra lễ hội nghinh Ông nhằm tôn vinh loài cá Voi, hay còn còn gọi là “Nam Hải đại tướng quân”. Đúng 12h trưa, lễ rước Ông được khởi hành tại lăng Ông, sau đó diễu hành quanh thị trấn Sông Đốc. 


Đoàn rước Ông gồm đội múa lân đi trước, kế đến là trống to, theo sau là học trò lễ, các đoàn “tôm, cua, cá”… Người dân đứng hai bên đường, hò reo cổ vũ, tạo nên không khí lễ hội náo nhiệt. 

Lễ hội nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau). 

Đám rước “Sắc phong Thần tức Ông Nam Hải” có một nhóm người mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm mặc áo dài khăn đóng cùng đưa “Long đình” xuống tàu và chạy ra biển.

Các ghe, tàu đều được trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu… như một thuyền hoa. Trong những ghe, tàu lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính gồm 3 chiếc kết lại thành đoàn (người ta gọi là tàu thủy lực), tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…

Từng đoàn tàu tham gia nghinh Ông đều chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối và không giới hạn thời gian hay khoảng cách từ đất liền ra biển. 

Các đoàn rước ra biển cầu Ông phù hộ. 

Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chính lễ làm thủ tục khấn vái, thắp hương và “xin keo”, khi xin “được keo”, tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về lăng Ông thờ cúng.

Ngoài những nghi lễ truyền thống, tại lễ hội nghinh Ông Sông Đốc còn diễn các trò chơi dân gian, như: cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, múa lân, múa kiếm, bóng chuyền, bóng đá… 

Nhằm bảo đảm TTATGT khu vực diễu hành lễ hội nghinh Ông sông Đốc (từ cảng cá sông Đốc đến cửa sông Ông Đốc) bị hạn chế trong khoảng thời gian từ 9h - 17h.

Nghinh Ông là lễ hội của ngư dân vùng biển, gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông Thuỷ tướng… nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông (cá Voi) là sinh vật thiêng liêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương miền biển…

Đức Văn
.
.
.