“Nốt lặng” trong dòng chảy âm nhạc hiện đại

Thứ Tư, 31/08/2016, 09:47
Những năm gần đây, sự lên ngôi của dòng nhạc thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Loại hình âm nhạc dân tộc gặp nhiều khó khăn, nghệ nhân gồng mình chống đỡ sự xâm nhập của âm nhạc thị trường.

Âm nhạc dân tộc, hồn cốt Việt đang bị mờ dần bản sắc. Có những lễ hội truyền thống biến chất. Âm nhạc truyền thống như một “nốt lặng” trong dòng chảy âm nhạc hiện đại.

Âm nhạc dân tộc mất dần chỗ đứng?

Dân tộc Việt Nam vốn có nền âm nhạc truyền thống phong phú, độc đáo và đa dạng. Nếu như miền Bắc với những loại hình chèo, tuồng, ca trù, hát xoan, quan họ…; miền Trung là hò, ví, dặm, nhã nhạc cung đình Huế… thì Nam Bộ là cải lương, tân cổ giao duyên…

Trong số ấy có loại hình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, thực tế cho thấy, âm nhạc truyền thống hiện vẫn sống lay lắt, ít người xem, người nghe, đặc biệt là giới trẻ.

Trong các chương trình ca nhạc giải trí, các ca sĩ thường chọn nhạc thị trường, nhạc nước ngoài để biểu diễn thay vì chọn những tác phẩm âm nhạc dân tộc. Trang phục, vũ đạo được chăm chú nhiều hơn là chất giọng.

Cũng tương tự, đối với người nghe nhạc, nhất là giới trẻ, họ cũng không mấy quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Số bạn trẻ quan tâm đến các thể loại âm nhạc dân tộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thần tượng âm nhạc của giới trẻ là các ca sĩ trẻ có phong cách biểu diễn giống nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong khi đó, các ca khúc viết về quê hương, đất nước chỉ được biểu diễn tại các chương trình biểu diễn nghệ thuật hay liên hoan….

Trong khi những chương trình truyền hình thực tế ngày càng lan rộng thì ngược lại, những chương trình âm nhạc dân tộc hầu như ít có chỗ đứng trên mặt báo. Nhiều nghệ sĩ có năng lực không sống được với nghề, trong khi một số cá nhân tài năng có hạn nhưng nhờ báo chí lăng-xê trở thành "sao" rồi hái ra tiền dễ dàng.

Một tiết mục tại hội diễn văn nghệ quần chúng Công an nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Cần chung tay giữ gìn

Trước thực tế đáng buồn và đầy báo động về việc âm nhạc dân tộc đang mờ dần, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cũng đã nhiều lần tổ chức hội thảo “Âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hôm nay”.

Tại buổi hội thảo gần đây nhất diễn ra tại thành phố Vinh – Nghệ An, Giáo sư Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy dân tộc Việt Nam đã viết bài đề dẫn có đoạn: “Những người quản lý văn hóa hiện nay ai cũng thấy dòng nhạc truyền thống Việt Nam đang bị dòng âm nhạc thương mại cạnh tranh và lấn át trên mọi nơi mọi nẻo, nhưng nhà quản lý cứ buông trôi, thả nổi, những nhà phê bình âm nhạc cũng chưa phát huy “chiếc roi” để quất cho con ngựa lồng lên. Ngòi bút phê bình còn né tránh trong việc phê phán dòng âm nhạc lai căng, âm nhạc thương mại và bảo vệ tôn vinh âm nhạc dân tộc nước nhà”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng khẳng định: “Hiện tượng này ở nước phương Đông nào cũng có nhưng có lẽ ở Việt Nam ta ngày càng bộc lộ rõ hơn, tức là sự xâm nhập của văn nghệ nước ngoài ngày càng mạnh, càng sâu hơn.

Điều đó rất dễ thấy trên các sân khấu biểu diễn, trên màn ảnh nhỏ và trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhất là tuổi trẻ. Mặc dù ai cũng nói nghệ thuật truyền thống là cái hồn cốt của dân tộc, nhưng ai giữ cái hồn cốt ấy? Theo tôi, không phải chỉ có nghệ nhân mà phải toàn Đảng, toàn dân cùng vào cuộc”.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết phải giữ gìn những tinh hoa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc.

Các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương... các loại hình dân ca quan họ, hát xoan, ví dặm... là những sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra, trở thành món ăn tinh thần, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam, là nhân tố góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... 

Do đó, để âm nhạc cổ truyền dân tộc phát huy giá trị, phù hợp với yêu cầu mới của sự phát triển thì rất cần được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của toàn xã hội.

Hải Âu
.
.
.