Nghệ nhân góp sức lan tỏa nghề truyền thống Việt ra thế giới
- Lan tỏa dấu ấn Việt từ Festival nghề truyền thống
- Festival nghề truyền thống Huế tôn vinh tinh hoa nghề Việt
- Lực lượng Công an chủ động bảo đảm an toàn Festival nghề truyền thống Huế
Với đôi tay tài hoa, kỹ thuật khéo léo, các nghệ nhân Việt đã làm nên những sản phẩm truyền thống độc đáo khiến du khách trong và ngoài nước đều trầm trồ thán phục…
Với không gian thơ mộng nằm bên bờ sông Hương và cầu Trường Tiền, biểu tượng của Cố đô Huế, tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với công viên Tứ Tượng, Công viên 3-2, đã được UBND TP Huế chọn làm nơi tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống tại Festival NTT Huế 2019.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức (BTC) Festival NTT Huế 2019 cho biết, khác biệt với những kỳ Festival lần trước, ngoài không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề, BTC còn sắp đặt các không gian như sen, lụa và thổ cẩm; không gian áo dài, nghề đông y; không gian lồng đèn, diều, thư pháp và không gian giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của các thành phố từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
“Những không gian này đã tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương. Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề và qua đó, các nghệ nhân đã giới thiệu những sản phẩm thủ công truyền thống do chính họ làm nên mang đậm dấu ấn bản sắc quê hương, dân tộc để giới thiệu đến du khách”, ông Thành bộc bạch.
Những nghệ nhân dân tộc Tà Ôi trình diễn nghề dệt zèng. |
Lần đầu tham gia Festival NTT Huế, nhưng những sản phẩm của hợp tác xã (HTX) mây tre xuất khẩu Liên Khê (xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã gây chú ý lớn đối với du khách quốc tế. Những sản phẩm xinh xắn do bao đôi bàn tay tài hoa các nghệ nhân làm ra đã khiến du khách rất thích thú.
Nghệ nhân Hoàng Thị Chung (52 tuổi) có hơn 30 năm gắn bó với HTX Liên Khê bày tỏ: “Là nghề truyền thống của cha ông nên suốt hàng chục năm qua, tôi và các nghệ nhân đã cần mẫn gìn giữ lấy nghề làm mây tre. Năm nay là lần đầu tiên tôi đưa sản phẩm làng nghề mình đến với Festival NTT Huế và thật sự rất ấn tượng với không gian làng nghề ở đây”.
Tham quan không gian này, nữ du khách người Anh Aiden trầm trồ: “Chúng tôi rất bất ngờ về kỹ thuật chế tác đồ lưu niệm làm từ mây, tre của nghệ nhân Việt. Những sản phẩm nhỏ nhắn nhưng được làm rất tinh tế, giàu tính thẩm mỹ khiến chúng tôi rất hài lòng. Và tôi cùng gia đình đã lựa chọn mua bộ sản phẩm lồng đèn được làm từ mây tre để đưa về nước làm quà lưu niệm”.
Cũng tại không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề, nhiều nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Việt Nam đã được trưng bày, biểu diễn. Tại đây, du khách được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân trình diễn nghề dệt thổ cẩm như dệt zèng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế); dệt thổ cẩm Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), dệt tơ sen Mỹ Đức (TP Hà Nội), dệt thổ cẩm của người Kho, Châu Mạ (tỉnh Lâm Đồng)...
Trong đó, dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc Tà Ôi.
Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền để làm nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo. Chính những tinh hoa ấy mà nghề dệt zèng A Lưới đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc HTX dệt zèng A Lưới, một trong những người từ nhiều năm trước đã mạnh dạn đứng ra lập xưởng dệt thổ cẩm để gìn giữ và duy trì nghề dệt zèng.
Hiện HTX do chị Hợp quản lý có hơn 40 phụ nữ tham gia. Chị Hợp cho hay, để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc còn đòi hỏi người thợ phải khéo tay mới tạo nên những tấm zèng có hoa văn độc đáo.
“Ngoài cung cấp cho các địa phương ở khu vực miền Trung, những năm gần đây, nhiều du khách nước ngoài tìm đến A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt zèng và mua sản phẩm zèng. Sản phẩm dệt zèng A Lưới không những được nhiều du khách mua làm quà kỷ niệm khi đến dự Festival NTT Huế mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng và xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước, quốc tế. Nhờ thế mà dệt zèng A Lưới từng bước nâng tầm vị thế”, bà Hợp nói.
Và chính những nghệ nhân như Hoàng Thị Chung, Mai Thị Hợp cùng 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ 60 làng nghề, cơ sở nghề trong nước tham dự Festival NTT Huế 2019 đã góp công sức không nhỏ quảng bá tinh hoa nghề truyền thống, lan tỏa dấu ấn nghề Việt đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2019 Tối 1-5, UBND TP Huế đã tổ chức lễ bế mạc Festival nghề truyền thống (NTT) Huế lần thứ 8 năm 2019 và vinh danh các nghệ nhân, làng nghề truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức, sau 6 ngày đêm diễn ra liên tục với nhiều chương trình nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn, Festival NTT Huế 2019 đã thu hút hơn 400 nghìn lượt khách (tăng gấp 2,3 lần so với Festival NTT Huế năm 2017). Vào các ngày 28, 29, 30-4 và 1-5, khách sạn từ 3 sao đến 5 sao tại TP Huế đều “cháy phòng”, công suất đạt 100%. Đặc biệt, tham gia Festival NTT Huế, các cơ sở nghề đạt gần 10 tỷ đồng doanh thu bán hàng tại không gian tôn vinh nghệ nhân, làng nghề trải dài bên sông Hương. Những kết quả này cho thấy Festival NTT Huế 2019 được tổ chức bài bản, thành công ngoài sự mong đợi, đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm, mua sắm của du khách trong và ngoài nước. (Anh Khoa) |