Khúc tráng ca về lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam

Thứ Tư, 28/03/2018, 08:10
Vở diễn “Gặp lại người đã chết” của Đoàn Kịch nói CAND vừa có buổi tổng duyệt thành công vào tối 25-3 tại Hà Nội. Thiếu tướng Đào Gia Bảo, Cục trưởng Cục Công tác Chính trị CAND đã đến dự, chia sẻ động viên các nghệ sĩ và lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn. 


“Gặp lại người đã chết” do NSND Lê Hùng đạo diễn; kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương. Dựa theo bút ký của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND Phạm Văn Quyền, vở diễn được Đoàn Kịch nói CAND dàn dựng nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ nêu Sáu điều dạy về Tư cách người Công an cách mệnh, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây cũng là vở diễn mà Đoàn Kịch nói CAND đầu tư dàn dựng để tham gia cuộc thi Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018.

“Xúc động, lôi cuốn, hấp dẫn khán giả” là nhận xét của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và cũng là cảm nhận chung của khá nhiều nhà chuyên môn trong đêm tổng duyệt vở diễn “Gặp lại người đã chết”.

Khác với lối dẫn chuyện khá dài, đòi hỏi người xem cần có sự nhẫn nại để theo dõi của rất nhiều vở chính kịch truyền thống, ngay từ những phút đầu tiên, đạo diễn, NSND Lê Hùng và các nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói CAND đã cuốn người xem vào mạch chuyện với rất nhiều kịch tính. Đó là vùng ngoại ô Sài Gòn – Gia Định, nơi tập kết của các chiến sĩ Điệp báo sau mỗi trận đánh xuất quỷ nhập thần tại nội đô.

Một cảnh trong vở diễn “Gặp lại người đã chết”.

Trên những tảng lục bình lặng lờ, tiếng sóng vỗ ì oạp và bảng lảng khói sương, những chiếc xuồng lao vun vút, đến rồi đi. Tiếng người kiểm tra đồng đội. Sự thảng thốt khi một chiếc xuồng lao về trong tình trạng mất lái cùng người đồng đội trên xuồng đã hy sinh. Những tiếng gầm gào uất nghẹn cùng quyết tâm: phải tìm ra được kẻ phản bội.

Chiến trường khốc liệt ấy cũng là nơi tình yêu của Trần Đức và Bảo Yến  – hai chiến sĩ Điệp báo và cũng là hai cựu học sinh trường Bưởi, Hà Nội đơm hoa, kết trái. Sau những phút đoàn viên ngắn ngủi, Bảo Yến lại lặng lẽ trở về với vỏ bọc của một cô chủ tiệm vàng xinh đẹp ở nội đô. Trần Đức ở lại, vẫn sát cánh cùng đồng đội sống, chiến đấu.

Đúng ngày đôi uyên ương nhận được lời chúc mừng của A5 - người chỉ huy trực tiếp, Bảo Yến nhận chỉ thị: kết hôn với Dũng, Đại úy quân đội Sài Gòn nhằm tạo vỏ bọc hoàn hảo hơn, dễ tiếp cận nguồn tài liệu hơn, đồng thời thoát khỏi nanh vuốt Ba Tẩu - một trùm sỏ đất Sài Gòn. Thời điểm này, người con trai của Bảo Yến và Trần Đức cũng vừa hoài thai…

Chia sẻ về vở diễn “Gặp lại người đã chết” - NSƯT Thúy Hiền, Phó trưởng Đoàn Kịch nói CAND, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn cho biết, đêm tổng duyệt 25-3 là lần thứ 2 các nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói CAND “chạy” toàn bộ vở. Hiện tại, các nghệ sĩ vẫn đang dốc sức tập luyện, điều chỉnh trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn.

Dự kiến, sau khi hoàn thiện, vở kịch sẽ được Đoàn Kịch nói CAND biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và tham gia cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 6 tại TP Hồ Chí Minh.

Vở diễn “Gặp lại người đã chết” do Đoàn Kịch nói CAND dàn dựng dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Thúy Hiền, NSND Lê Hùng đạo diễn, kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương. Tham gia diễn xuất có nghệ sĩ Việt Tùng trong vai Trần Đức, Hồng Lê trong vai Bảo Yến, Hải Chung trong vai A5 - Chỉ huy Đội Điệp báo, Quốc Thắng vai Dũng, Đại úy quân đội Sài Gòn, NSƯT Hồng Tuấn vai Ba Tẩu, nghệ sĩ Mỹ Duyên vai vợ Ba Tẩu, Tiến Việt vai Trung úy Ngọc, Huyền Trang vai Ni cô Huyền Trang – chiến sĩ Điệp báo cùng tập thể nghệ sĩ diễn viên Đoàn Kịch nói CAND.  
Hoa Nguyễn
.
.
.