Du lịch Quảng Trị hứa hẹn nhiều khởi sắc

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:42
Những năm gần đây, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm hay để thu hút du khách về thăm viếng, tham quan, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương...



Đến với tỉnh Quảng Trị, điều mà du khách cảm nhận trước hết là tấm chân tình của người dân. Những nhà hàng, khách sạn, các địa điểm tham quan không hề ồn ào; không xảy ra tình trạng người bán hàng rong chèo kéo khách; tất cả luôn diễn ra trong trật tự, với sự hướng dẫn tận tình của những người phục vụ.

Chúng tôi đến Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) ngày đầu năm mới tình cờ gặp một số du khách nước ngoài cũng đến đây tham quan.

Du khách mua sắm tại lễ hội chợ đình Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Chị Okawa, một giáo viên tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Nhật, ở lại ăn Tết cổ truyền với người Việt Nam, khi đến đây đã thốt lên: “Ở xứ sở này tuyệt đẹp! Cái đẹp luôn sẵn có trong lòng những người dân. Trong chiến tranh bảo vệ quê hương, những cái đẹp ấy đã đào dựng nên những căn hầm trú ẩn, những địa đạo sâu hun hút trong lòng đất để trường tồn; để duy trì, phát huy nhân phẩm của con người; để chứng minh một điều rằng cái đẹp luôn chiến thắng! Trong hòa bình, chính những con người quê chân chất này lại làm nức thêm tiếng thơm của lòng người, tình người. Họ luôn đối đãi chân tình với khách. Mặc dù cuộc sống với bao điều phải tính toán, lo toan, họ không vì thế mà làm mất đi niềm tin của người khác”.

Các điểm tham quan, vui chơi du lịch, nghỉ dưỡng dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị cũng luôn trong “trạng thái” trật tự, nề nếp cao.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga, chủ một nhà hàng ở biển Vĩnh Thái, bộc bạch: “Bên cạnh việc tuân thủ các quy định của chính quyền, ngành chức năng địa phương, người dân ở đây kinh doanh các dịch vụ ăn uống, du lịch đều luôn ý thức được rằng, khách họ đến với mình, nhất là trở lại với mình đều nhờ vào sự uy tín của mình. Bởi vậy, phải thật thà với họ, chân tình và tận tình với họ; cái nghề của mình có thế mới phát triển bền vững được”.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị phấn khởi, cho biết: Qua khảo sát cho thấy, ngành Du lịch của tỉnh đang hứa hẹn có nhiều khởi sắc nhờ vào cách làm hay, không chỉ của các sở, ngành chức năng mà của từng cá nhân người dân tham gia vào hoạt động này.

Năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển miền Trung, lượng khách đến Quảng Trị giảm hẳn, tuy nhiên nhiều cơ sở làm du lịch trên địa bàn vẫn duy trì được một lượng khách ổn định. Trong đó, các cơ sở di tích vẫn đón và phục vụ được khoảng 72.000 lượt khách trong và ngoài nước, đạt doanh thu khoảng 2,8 tỷ đồng. Các cơ sở du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... vẫn đón và phục vụ được gần 1.100.000 lượt khách, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Quảng Trị đã đưa vào khai thác cơ sở hạ tầng du lịch suối nước nóng Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông, kết hợp với khai thác giá trị văn hóa dân tộc. Tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng và nâng cấp hàng chục cơ sở du lịch khác trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số dự án đã và đang được đầu tư tại các khu dịch vụ - du lịch do Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Quảng Trị) quản lý, kêu gọi và hỗ trợ đầu tư là 20 dự án trên tổng diện tích đất 168,49ha, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 3.335 tỷ đồng.

Trong đó, hoàn thành đưa vào sử dụng là 4 dự án trên diện tích đất 6,53ha, với tổng vốn đầu tư 176,6 tỷ đồng; 8 dự án đang triển khai trên diện tích đất 12,82ha, với tổng vốn đầu tư 431,6 tỷ đồng...

Đầu xuân mới Đinh Dậu, tin vui cũng đã đến với ngành du lịch tỉnh Quảng Trị. Đó là việc tỉnh đón đoàn khách 52 người (chủ yếu mang quốc tịch Mỹ) “xông đất”. Sau khi cập cảng biển nước sâu Cửa Việt (Gio Linh), đoàn khách đã được chính quyền, ngành chức năng địa phương tiếp đón nồng nhiệt, hướng dẫn tham quan các di tích lịch sử, như: Di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc.

Phan Thanh Bình
.
.
.