Hàng trăm tàu du lịch Quảng Ninh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:26
Số lượng tàu tăng nhanh, cung vượt quá cầu dẫn đến tình trạng cò mồi, tranh giành khách; tàu đa phần là vỏ gỗ, trong khi đó công tác phòng chống cháy nổ lại không được chú trọng nên hơn 80% tàu được kiểm tra thiếu sót về quy định này, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thậm chí, nhiều tàu thay vì neo đậu đúng quy định đã tự ý cho tàu di chuyển, đậu đỗ ở những nơi nguy hiểm, rồi bán hàng, ép giá làm ảnh hưởng đến môi trường văn minh du lịch… Đó là những bất cập được UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận trong báo cáo vừa gửi tới  Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long hình thành từ năm 1989, ban đầu có một số phương tiện nhỏ được chuyển đổi từ đò chở khách sang phục vụ khách du lịch tham quan trên Vịnh. Đến nay, đội tàu du lịch đã phát triển lên tới 533 chiếc (gồm 331 tàu tham quan, 200 tàu lưu trú với trọng tải trung bình 28 khách/tàu), thực hiện vận chuyển gần 100.000 chuyến/năm với trên 2,5 triệu khách/năm.

Những ngày cao điểm có thể lên tới 900 chuyến/ngày. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã dừng việc đăng ký  tàu đóng mới, thế nhưng, trên thực tế số lượng tàu du lịch vẫn tăng nhanh, mang tính tự phát, dẫn tới vượt quá nhu cầu thực tế. 

Tàu thuyền du lịch hoạt động tại Quảng Ninh.

Không phủ nhận tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã mang về cho Quảng Ninh nhiều lợi thế, song thực tế, đội tàu du lịch chủ yếu là tàu vỏ gỗ và có hệ thống điện phức tạp, phụ tải tiêu thụ điện lớn (điều hòa, tủ lạnh, tivi…), khả năng chống cháy, chống chìm, chịu va đập thấp hơn so với tàu vỏ thép, cũng đang khiến cơ quan chức năng lo lắng.

Chả thế mà, mới đây, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu tiến hành kiểm tra toàn bộ 489 tàu du  lịch đang hoạt động, trong đó có 422 tàu vỏ gỗ của khoảng 200 doanh nghiệp, cá nhân. Kết quả, chỉ có 62/489 tàu du lịch (chiếm 12,7%) chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy còn lại tới 427/489 tàu (chiếm 87,3%) còn thiếu sót về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Dù đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ hoạt động tàu du lịch, thế nhưng, trong văn bản mới đây gửi tới Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh cũng nêu ra các khó khăn. Đó là hoạt động của tàu du lịch trên vinh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong điều kiện khí hậu tự nhiên khó lường, luồng tuyến đan xen phức tạp, loại hình vận chuyển khách đặc thù, nhưng chưa có quy định riêng về quản lý tàu du lịch với các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ cao. Cùng đó, các hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm còn thấp, chưa mang tính răn đe.

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Thủ tướng, các bộ,  ngành xem xét cho phép ban hành Nghị định về quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; cho xây dựng ban hành tiêu chuẩn tàu chở khách du lịch đảm bảo an toàn cho du khách, cảnh quan và môi trường kinh doanh du lịch; đồng thời cho phép tỉnh Quảng Ninh trước mắt, thực hiện các quy định tạm thời về quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bổ sung đưa phương tiện tàu vận chuyển khách, trong đó có tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vào danh mục phương tiện thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy.

Đề nghị Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét nâng tiêu chuản an toàn đối với hệ thống điện, các nguồn phát sinh nhiệt trên tàu du lịch, nhất là đối với tàu du lich vỏ gỗ vì hệ thống điện thực hiện trên tàu du lịch khá phức tạp, công suất của các phụ tải lớn, dây dẫn điện đi ngầm trong vách gỗ dễ xảy ra chập, cháy.

Đặng Nhật
.
.
.