Cựu đại sứ Pháp đạt giải thưởng Bùi Xuân Phái: Mãi mãi một tình yêu Hà Nội

Thứ Bảy, 08/09/2018, 08:29
Sau 4 năm ròng cùng anh trai – đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện bộ phim “Hà Nội của tôi” (Mon Hanoi), cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean Noel Poirier đã mang đến cho khán giả trong và ngoài nước về một Hà Nội lạ mà quen với những phát hiện thú vị.

“Hà Nội của tôi” cũng là tác phẩm duy nhất của người nước ngoài được trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” của Quỹ Bùi Xuân Phái, Báo Văn hóa và Thể thao (Thông tấn xã) năm 2018.

Ông Jean Noel Poirier còn có tên tiếng Việt là Lê Giáng Sinh, làm đại sứ tại Việt Nam từ năm 2012 đến 2016. “Hà Nội của tôi” là bộ phim tài liệu đầu tay do ông cùng anh trai là đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện. Trong đó ông là người viết kịch bản. 

Thực hiện cuộc hành trình dạo quanh khám phá những “bí mật nhỏ về Hà Nội”, ông cùng anh trai của mình đã mang đến công chúng những góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ về thủ đô “nhiều khiếm khuyết cùng vô số nét duyên” của một “người Việt Nam gốc nước ngoài”.

Có thời lượng 52 phút, “Hà Nội của tôi” dẫn dắt người xem qua nhiều ngõ ngách cũ – mới đan xen, lang thang gặp gỡ các “cư dân”, thưởng thức nhiều món ăn truyền thống nổi tiếng, kể cả những hàng quán vỉa hè, bình dân của Thủ đô Hà Nội. Ngay từ lần đầu tiên ra mắt, phim đã thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn công chúng.

Cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Jean Noel Poirier trong phim tài liệu “Hà Nội của tôi”.

Phim là một trong số rất ít tác phẩm tiếp tục mạch cảm xúc trân trọng các giá trị mang tính khám phá, lưu giữ ký ức Hà Nội xưa, được đề cử cho hạng mục Giải Tác phẩm của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2018. Cùng cạnh tranh giải thưởng này còn có 3 đề cử “nặng ký” khác. 

Trong đó, cuốn sách “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” của nhà văn Lê Văn Ba từng được đánh giá rất cao khi khai thác một mảng khuất của thời kỳ còn ít được nghiên cứu trong lịch sử văn nghệ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung - giai đoạn Hà Nội bị tạm chiếm. 

Hai đề cử còn lại là tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ, đạo diễn, biên kịch và họa sĩ nổi tiếng Phan Vũ và “Lặng phố” của họa sĩ Phạm Bình Chương, nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh – tác phẩm nghệ thuật có sự đan xen giữa văn chương và những bức tranh đậm đà hương vị Hà Nội, nhất là một Hà Nội xưa. 

Tuy nhiên, phim “Hà Nội của tôi” đã xuất sắc vượt qua 2 đối thủ để cùng “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ nhận giải Tác phẩm của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2018.

Chia sẻ về lý do trao giải cho “Hà Nội của tôi”, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của giải thưởng thẳng thắn nhận định:  Kiến trúc là đề tài ông Jean Noel Poirier đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời lượng phim. 

Cựu đại sứ Pháp quan sát kiến trúc Hà Nội một cách chi tiết và phát hiện không ít dấu ấn quê hương ông, khi thì rõ ràng trong những biệt thự cổ như “bước thẳng ra từ trang viết của Maupassant của thế kỉ XIX”, lúc lại nằm kín đáo ở những ngôi nhà bình dị hơn, dường như chỉ được “phát hiện một cách tình cờ”. 

Không chỉ vậy, ông còn thấy ở Hà Nội có cả kiến trúc Trung Hoa, Nga… cùng lúc được “Việt hoá”, có những con ngõ hẹp nối với “khoảng không gian rộng đột nhiên mở ra” tạo cảm giác thú vị như đang ở Venice (Italia). Cựu đại sứ Pháp đánh giá cao cách người Việt “ứng biến” với nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt, kinh doanh. 

Tất cả những quan sát ấy đưa đến kết luận thú vị: “Một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, Hà Nội là thành phố nơi mỗi người bổ sung vào đó một miếng ghép của mình. Mỗi miếng ghép phản ánh phần nào về hoàn cảnh sống cũng như thẩm mỹ của họ”. 

Ông Jean Noel Poirier đặc biệt thích đến những khu như Thành Công, nơi có các khu tập thể nằm lẫn giữa các căn nhà độc lập, nhà bình dân đứng cạnh “nhà giàu”. 

Thế nhưng, như lời cựu đại sứ Pháp này thì sự phong phú trong đời sống của các tầng lớp dân cư tạo cho Hà Nội một nét duyên khó cưỡng trong lòng, là lý do hàng đầu để ông yêu và quyết định ở lại đây. Ông duy trì thói quen dạo phố và nhìn ngắm Hà Nội, thường là vào buổi sáng trước giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa. 

“Nhìn thấy hoạt động của người Hà Nội, tôi thấy vui lây. Những gánh hàng rong, những vỉa hè tấp nập người buôn bán, sinh hoạt, nấu cơm hay trông con… Đây là hình ảnh của một cộng đồng hoà hợp, gắn bó”  và “là lý do Hà Nội gợi tôi nhớ về một Paris trong quá khứ”.

Cũng theo nhà thơ Bằng Việt, còn một lý do khác khiến Hội đồng giám khảo quyết định trao giải cho “Hà Nội của tôi – Mon Hanoi” là bởi, trong phim, ông Jean Noel Poirier đã không ngần ngại đề cập những vấn đề bất cập mà Hà Nội phải đối mặt trong quá trình phát triển nhanh chóng: Ô nhiễm và giao thông. 

Ông cũng chỉ ra rằng: “Ô nhiễm là vấn đề đòi hỏi  chính sách dài hạn để thay đổi. Và với tình trạng hiện nay, tôi e là nó sẽ nghiêm trọng hơn. Còn giao thông có 2 vấn đề là cách lái xe và số lượng xe. Hà Nội cần sớm giải quyết những vấn đề ấy để tự hoàn thiện".

Ông Jean Noel Poirier cũng chia sẻ rằng, ông rất xúc động khi biết tin bộ phim “Hà Nội của tôi” được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái. Mặc dù hiện tại, ông đang bận nhiều công việc ở quê hương (Pháp) nhưng Hà Nội vẫn luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim ông. 

Ông đang dự định làm một bộ phim thứ hai về Hà Nội và hy vọng, người xem sẽ thấy thú vị, yêu mến Hà Nội hơn, như ông đã, đang dành tình yêu cho mảnh đất này.

N.Nguyễn
.
.
.