Những nhà đương kim vô địch phải tủi nhục rời World Cup ngay sau vòng bảng

Thứ Năm, 28/06/2018, 17:39

Trước khi World Cup 2018 chính thức diễn ra, người ta đã râm ran bình luận về “lời nguyền” của World Cup dành cho các nhà đương kim vô địch. Và trên đất Nga lần này, “nạn nhân” tiếp theo của “lời nguyền” ấy chính đội tuyển Đức. Trước cỗ xe tăng, một loạt các “ông lớn” khác cũng đã phải ôm hận một cách đầy cay đắng.


Sức mạnh của đội tuyển Đức là điều mà nhiều người luôn luôn tin tưởng. Họ sở hữu một dàn đội hình khá đồng đều với các cầu thủ đang là trụ cột ở các câu lạc bộ hàng đầu thế giới như tiền vệ Toni Kroos (khoác áo CLB Real Madrid); Mesut Ozil (CLB Asernal)…

4 năm trước ở Brazil, người ta đã phải ngả mũ thán phục lối chơi khoa học của cỗ xe tăng khi họ lên ngôi vô địch thế giới bằng cách vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ còn lại. Trong hành trình chinh phạt ấy, Đức đã đánh bại chủ nhà Brazil với tỉ số lên đến 7-1.

Tuy nhiên, trước khi bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương lần này, đội tuyển Đức đã có những lục đục nhất định. Trong loạt trận giao hữu trước World Cup, đội tuyển Đức đã phải nhận thất bại 2-1 trước đội tuyển Áo. Trước đó, họ đã có 4 trận giao hữu không biết đến “mùi” chiến thắng.

Thêm vào đó, dư luận Đức đã lên tiếng chỉ trích dữ dội HLV trưởng Joachim Low khi ông này đã không gọi tiền vệ Leroy Sane, cầu thủ đang chơi rất hay trong màu áo của CLB Manchester City. Ông Joachim Low đã phải giải thích rất nhiều về quyết định này khi người hâm mộ Đức cho rằng, Sane bị loại là do mâu thuẫn riêng với HLV trưởng chứ không phải vì yếu tố chuyên môn.

Bước vào trận đầu tiên ở World Cup 2018, người hâm mộ cỗ xe tăng đã không khỏi lo lắng khi họ thể hiện một bộ mặt già nua, trình diễn một lối chơi chậm chạp, thiếu sức sống và không có khao khát chiến thắng. Nhìn những bước chạy ảm đạm của Ozil và các đồng đội, không có gì ngạc nhiên khi họ đã để thua 0-1 trước đối thủ Mexico với lối chơi đầy nhiệt huyết.

Cựu vô địch Đức đã phải tủi hổ rời World Cup từ vòng "gửi xe".

Sang đến trận đấu thứ 2, trận quyết chiến với Thụy Điển, tuy đã có tiến bộ hơn ở trận đầu ra quân, nhưng rốt cục, các cầu thủ Đức vẫn không cho thấy được sức mạnh vượt trội của họ. Phải nhờ đến bàn thắng của Toni Kroos ở phút bù giờ, Đức mới có được chiến thắng đầy chật vật để nuôi hi vọng đi tiếp.

Đến trận đấu cuối cùng với đội bóng yếu nhất bảng và gần như là đã bị loại – đội tuyển Hàn Quốc, cỗ xe tăng đã chính thức bị… “tuột xích”. Trước cơ hội không thể tốt hơn để giành 3 điểm, qua đó đoạt tấm vé đi tiếp và bước qua “lời nguyền”, đội tuyển Đức vẫn thể hiện một lối chơi thiếu sức sống. Họ không tạo ra được một thế trận áp đảo về phía phần sân của đội tuyển Hàn Quốc ngoài việc chiếm phần lớn thời gian kiểm soát bóng.

Ngược lại, tinh thần thi đấu của đội bóng đến từ xứ Kim Chi mới là điều để cả thế giới phải ghi nhận. Không còn cơ hội ở lại Nga, nhưng đội tuyển Hàn Quốc đã chơi bóng như ở một trận chung kết mang tính sống còn. Họ không ngại va chạm, chơi áp sát, liên tục chạy và chạy. Thành quả xứng đáng đến với họ ở phút thứ thứ 90+2 khi Kim Yuong Gwon có mặt đúng lúc để sút tung lưới thủ thành Neuer.

 Chưa dừng lại ở đó, đến phút thứ 90+6, từ tình huống lên tham gia tấn công của Neuer và để mất bóng, Son Heung Min đã có pha chạy bứt tốc như một vận động viên điền kinh, đá bóng vào khung thành trống mà Neuer đã để lại, “kết liễu” đội tuyển Đức với tỉ số 2-0. Một thất bại đầy cay đắng và tủi hổ của các nhà cựu vô địch Đức.

Thực ra, đội tuyển Đức là “nạn nhân” thứ 5 của “lời nguyền” dành cho các nhà đương kim vô địch khi họ bị loại từ vòng “gửi xe”. Trước đó, danh sách “nạn nhân” gồm có đội tuyển Italy (năm 1950 và 2010), Brazil (1966), Pháp (năm 2002) và Tây Ban Nha (2014). 

Cựu vô địch Tây Ban Nha phải rời World Cup 2014 ngay sau 2 trận đầu tiên.

Năm 2002 khi World Cup được tổ chức đồng thời ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đương kim vô địch Pháp bước vào trận đấu đầu tiên của vòng bảng gặp đội tuyển Senegal – đội bóng lần đầu tiên được chơi ở đấu trường lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, với đội hình toàn “sao”, Pháp đã bị đội bóng đến từ châu Phi hạ gục một cách đầy tức tưởi với tỉ số 0-1.

Nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi kinh hoàng lớn nhất của các nhà đương kim vô địch Pháp. Trong trận đấu tiếp theo, bọ bị đội tuyển Uruguay cầm hòa không bàn thắng và muối mặt để Đan Mạch đánh bại với 2 bàn không gỡ. Pháp đã phải xách vali về nước mà không ghi nổi một bàn thắng danh dự. World Cup năm ấy, đội tuyển Brazil lên ngôi vô địch.

Đến World Cup năm 2010, nạn nhân tiếp theo của lời nguyền chính là các nhà đương kim vô địch Italia khi họ phải về nhà mà không có nổi một trận thắng. Ở trận đầu tiên của vòng bảng, Italia đã bị đội bóng đến từ Nam Mỹ Paraguay cầm hòa với tỉ số 1-1.

Đến trận đấu thứ 2, đội bóng đến từ đất nước hình chiếc ủng tiếp tục bị đội tuyển New Zealand cầm chân với cũng với tỉ số 1-1. Và ở trận đấu cuối cùng của World Cup 2010, cựu vương Ý đã phải nhận thất bại cay đắng 2-3 trước Slovakia. Năm ấy, đội tuyển Tây Ban Nha lên ngôi vô địch.

4 năm sau tại Brazil, các nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha với đội hình toàn ngôi sao đã sẵn sàng bước qua “lời nguyền” đầy tai hại ấy. Nhưng rốt cục, hiện thực phũ phàng đã dội gáo nước lạnh lên các các cầu thủ đến từ xứ bò tót. Ngay ở trận đầu ra quân World Cup năm ấy, Tây Ban Nha đã bị Hà Lan “đè bẹp” với tỉ số 5-1. Tiếp sau đó, họ bị đội tuyển Chile hạ đo ván với 2 bàn không gỡ và chính thức phải cúi đầu về nước. World Cup năm ấy, đội tuyển Đức vô địch.

4 năm sau đó, vào thời điểm này, như chúng ta đã biết, đội tuyển Đức đã phải chính thức tủi nhục trở về nước. Có một lý do chung để giải thích cho thất bại nặng nề của các nhà cựu vô địch, đó là đội hình của họ cơ bản sau 4 năm đã già nua và không còn khát khao cháy bỏng để chinh phục cúp vàng.

Chưa biết lý do ấy có thuyết phục được người hâm mộ hay không, chỉ biết rằng đến thời điểm hiện tại, “lời nguyền” cho các nhà vô địch vẫn còn nguyên giá trị. Và không biết sau 4 năm nữa, tân vương của năm nay sẽ ra sao khi phải đối diện với “lời nguyền” đầy nghiệt ngã này.

Vũ Cảnh
.
.
.