Thiệt hại không thể đong đếm của Mỹ sau đòn phủ đầu Syria

Thứ Hai, 16/04/2018, 15:10
Với việc kết hợp cùng Anh và Pháp nã hơn 100 tên lửa vào Syria bất chấp các lời cảnh báo cứng rắn của Moscow, Mỹ đã khiến quan hệ với Nga ngày càng căng thẳng hơn, thậm chí tạo nguy cơ cho một cuộc đối đầu trực diện.

Rạng sáng 14-4, Mỹ cùng Anh và Pháp bất ngờ tiến hành tấn công tên lửa vào các mục tiêu nghi có liên quan đến năng lực vũ khí hoá học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Lầu Năm Góc nói rằng lực lượng của 3 nước đã phóng đi 105 tên lửa trong 70 phút nhằm vào các mục tiêu và toàn bộ tên lửa đều trúng đích.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình vào mục tiêu. Ảnh: ITN

Theo Reuters, đòn tấn công được Mỹ cùng các đồng minh tính toán kỹ lưỡng nhất, sao cho không gây ảnh hưởng gì đến các cơ sở quân sự cũng như công dân Nga, đồng thời “né” các khu vực có hiện diện của lực lượng phòng không mà Moscow đang duy trì trong lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, khi thực hiện được đòn răn đe với Syria, Mỹ đã đẩy quan hệ với Nga xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, thậm chí tạo ra nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Thế giới từng chứng kiến những động thái rất xây dựng của cả Mỹ và Nga trong vấn đề Syria, khi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin đã nhất trí thành lập được một khu vực giảm xung đột ở miền Nam Syria tháng 6-2017. Khi đó, các quan chức hai nước đều nhất trí cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy “hai nước có thể cùng nhau hợp tác vì vấn đề Syria hay các vấn đề quốc tế khác”.

Việc Mỹ cùng Anh và Pháp tấn công Syria đã khiến mối quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục lao dốc.

Bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump một lần nữa thông qua một tuyên bố chung về Syria rằng giải pháp quân sự không phải là phương án để giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, cũng như đồng ý tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria để "xoa dịu nỗi đau" vì chiến tranh của người dân quốc gia Trung Đông.

Rõ ràng, trong bối cảnh hai bên phải rất khó khăn mới tìm kiếm được một vài tiếng nói chung, đòn không kích vào Syria do Mỹ dẫn đầu lần này đã khiến Nga sụt giảm niềm tin vào cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ, cũng như vào cam kết về cái gọi là “giải pháp quân sự không phải là phương án để giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông” như tuyên bố trước đó của giới chức Washington.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Điện Kremlin đã tìm mọi cách để ngăn cản Nhà Trắng tiến hành vụ tấn công như yêu cầu thành lập một cuộc điều tra công tâm trước khi tiến hành bất cứ hành động cứng rắn nào, hay thậm chí đe dọa bắn hạ mọi tên lửa tấn công của Mỹ, nếu chúng gây hại đến công dân Nga.

Tàu chiến của Nga đã đưa thêm khí tài quân sự đến Syria sau đòn không kích của Mỹ. Ảnh: Twitter

Nhưng rồi vụ tấn công vẫn diễn ra, và người Nga đã bày tỏ sự thất vọng, trong tuyên bố đầu tiên hôm 14-4, Tổng thống Nga Putin gọi cuộc tấn công "gây tác động tồi tệ đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế". Trong bài phát biểu hôm 15-4, nhà lãnh đạo Nga nói rằng “bất kì một đòn tấn công nào khác của phương Tây tiếp nhằm vào Syria sẽ đều khiến quan hệ thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Theo chuyên gia Lister của CNN, sau cuộc tấn công với mục tiêu duy nhất là răn đe, Mỹ không có thêm động thái nào khác nhằm thể hiện chiến lược lâu dài tại Syria. Bởi vậy, đòn tấn công tên lửa của Mỹ không những không làm thay đổi thế cân bằng chiến lược ở Syria, nhưng lại tạo ra tình thế đối đầu gay gắt hơn giữa các bên có liên qua, tác động tiêu cực đến triển vọng hòa bình cho đất nước này.

Ngoài ra, việc Mỹ tấn công Syria với cáo buộc chưa được kiểm chứng sẽ khiến người Nga quyết tâm hơn trong nỗ lực ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, Iran tìm kiếm cơ hội tấn công Israel, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng cơ hội để tăng sức ép lên người Kurd. Riêng người dân Syria, họ là bên duy nhất chưa thể tìm thấy hướng đi tươi sáng nào.

Thiên Minh (Tổng hợp)
.
.
.