Tham vọng phía sau sự phát triển thần tốc của tên lửa Triều Tiên
Dựa trên những con số thống kê được phân tích kỹ càng trên CNN, dễ nhận thấy năm 2017 là một năm "tốc độ" trong việc triển khai chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo cứng rắn đối với Triều Tiên
- Hàng chục ngàn người dân Triều Tiên biểu tình phản đối lệnh trừng phạt của LHQ
- Triều Tiên công bố chi tiết kế hoạch tấn công Mỹ
Tăng đột biến cả lượng và chất
Chỉ tính từ tháng 2 cho đến nay, quốc gia này đã cho phóng tới 18 tên lửa trong 12 đợt thử. Điều đáng nói là sau mỗi đợt bắn thử, khả năng và tầm bắn của các tên lửa lại càng được nâng cao hơn.
Biểu đồ thể hiện số lượt thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên từ tháng 2-2017 đến hết tháng 7-2017. Ảnh: CNN |
CNN dẫn lời các quan sát viên Triều Tiên thống kê sơ bộ, trong tổng số các tên lửa được thử nghiệm tính đến tháng 6-2017, có 1 tên lửa ở tầm trung (2500 - 3500km), 2 tên lửa tầm vừa (1000 - 2500km), 8 tên lửa tầm ngắn hoặc tầm vừa (dưới hoặc trong khoảng 1000km) và 2 tên lửa chưa xác định. Riêng 4 tên lửa được phóng hôm 8-6 được phỏng đoán là loại tên lửa hành trình đất đối hạm.
Đặc biệt, ngày 4-7, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành đợt thử nghiệm đầu tiên của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà nước này tin rằng có thể chạm đến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Những lần phóng tên lửa cho thấy tầm bắn ngày càng xa. Ảnh: CNN |
Bình Nhưỡng cũng tuyên bố vụ phóng thử hôm 4-7 cho thấy, tên lửa có khả năng dẫn đường một đầu đạn bắn trúng mục tiêu một cách chính xác với tầm bắn lên tới hơn 5.000 km và công nghệ trở lại khí quyển.
Công nghệ "trở lại khí quyển" là yếu tố quan trọng để phát triển một ICBM vì tên lửa cần chịu được sức nóng và áp lực khi nó trở về khí quyển từ không gian.
Ngay sau đó, Triều Tiên đã triển khai lần bắn thứ 2 hôm 28-7. Các nhà phân tích cho rằng ICBM này có khả năng bắn tới những thành phố lớn của Mỹ như Los Angeles, Chicago hay thậm chí là New York.
"Có vẻ phần lớn lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của quả đạn này", Bruce Klingner, chuyên gia phân tích tại Quỹ Heritage, nhận định.
Số lần phóng tên lửa dưới thời kỳ của 3 vị lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: CNS |
Sự trùng hợp không ngẫu nhiên
Dễ nhận thấy, chỉ trong vòng 6 năm kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã triển khai số lượng thử nghiệm tên lửa nhiều hơn tất cả số lần mà những người tiền nhiệm (gồm bố và cha ông) thực hiện trước đây.
Đặc biệt, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đều được triển khai cùng thời điểm hoặc có liên quan tới các sự kiện quan trọng của Mỹ - Hàn.
Cụ thể, trong tháng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức (12-2), Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo chưa rõ chủng loại và rơi xuống ngoài khơi biển Nhật Bản.
Ngay sau đó, chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức (14-5), Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa gần khu vực Kusong của Triều Tiên.
Cũng theo các chuyên gia, bê bối chính trị ở Hàn Quốc khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất có thể tác động đến quyết định thử tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng thử tên lửa với tần suất mỗi tuần một vụ, trong liên tiếp 3 tuần sau khi ông Moon Jae-in lên nhậm chức.
CNDCND Triều Tiên mang nhiều hàm ý trong những lần thử tên lửa của mình. Ảnh: EPA |
Vì sao Triều Tiên phải phô diễn tốc độ phát triển tên lửa?
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đề cập hôm 14-5 rằng các vụ phóng thử "nhằm mục tiêu xác minh các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của mẫu tên lửa đạn đạo mới phát triển, đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ lớn".
Mục tiêu cuối cùng trong việc phát triển tên lửa của Triều Tiên, theo như những gì quốc gia này gần đây liên tục đề cập, đó chính là đạt đến khả năng tiếp cận Mỹ với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên tin rằng, Mỹ cùng các đồng minh của họ đang chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh Mỹ liên tục đưa ra những lời đe dọa "trút lửa giận", còn Liên Hợp Quốc chính thức thông qua lệnh trừng phạt, Triều Tiên muốn chứng tỏ tiềm lực kỹ thuật to lớn và sức mạnh dân tộc không thể phá vỡ, sẵn sàng đương đầu với cường quốc lớn.
Đồng thời, các cuộc thử nghiệm cũng được cho là một nước cờ nhằm tác động chính trị một cách tối đa. Điều này được phản ánh trong đợt thử tên lửa hồi tháng 5 (14-5), trùng khớp với thời gian diễn ra Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, Diễn đàn quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; và đợt phóng tên lửa tháng 2 khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Do đó, việc thử tên lửa cũng là một cách nhằm đảm bảo sự vững chãi của an ninh Triều Tiên và của chính quyền hiện tại, đảm bảo cho việc đối phó hiệu quả trước nguy cơ bị các cường quốc dàn xếp lợi ích với nhau trên chính lãnh thổ mình.