Tại sao Syria quyết tâm giành lại Idlib bằng mọi giá?
- Không quân Vũ trụ Nga giúp Syria giải quyết hang ổ khủng bố cuối cùng
- Syria tuyên bố không sợ đòn tấn công của Mỹ
- Sẵn sàng cùng Mỹ không kích Syria, Pháp vẫn thừa nhận ông Assad thắng trận
Quân đội Syria, với sự trợ giúp từ Nga và các đồng minh trong khu vực, đã tái khởi động chiến dịch giành lại tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc từ tay các nhóm khủng bố và phiến quân đối lập vào ngày 4-9, bất chấp lời đe dọa từ phía Mỹ cũng như sự phản kháng từ các tay súng cực đoan.
Các chuyên gia cho biết, sở dĩ Syria quyết tâm giành lại bằng được tỉnh Idlib bởi đây là khu vực có vị trí chiến lược và bởi vùng đất giáp với Thổ Nhĩ Kỳ này chính là sào huyệt lớn cuối cùng của các tay súng phiến quân và các nhóm khủng bố.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Syria nã đạn vào mục tiêu. Ảnh: ITN |
Hãng tin BBC dẫn số liệu từ Liên Hợp Quốc xác định dân số Idlib vào khoảng 2,9 triệu người, trong đó 1 triệu là trẻ nhỏ. Hơn một nửa số này đến từ nhiều vùng miền khác nhau của Syria, gồm cả các tay súng cực đoan di chuyển đến đây theo các thỏa thuận trước đó với Chính phủ Syria theo đề nghị của Nga.
Idlib cũng là nơi có nhiều tuyến đường lớn hướng về phía Nam từ Aleppo tới Hama và thủ đô Damascus, và vươn sang hướng Tây tới thành phố Latakia bên bờ Địa Trung Hải. Đây đồng thời là tỉnh có đường biên dài nhất với Thổ Nhĩ Kỳ của Syria.
Theo RT, Idlib bị các tay súng cực đoan chiếm đóng khoảng 70% lãnh thổ từ năm 2015. Hiện hơn 50% diện tích Idlib, gồm nhiều khu vực trọng yếu cũng như thủ phủ của tỉnh và cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa giao với Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong tay nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên kết với al-Qaeda.
Vị trí tỉnh Idlib của Syria. Ảnh: BBC |
Một phần lớn diện tích khác do nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Dân tộc (NLF) thân Ankara nắm giữ. Nhóm này là tập hợp của các tay súng thánh chiến và một số chiến binh thuộc tổ chức phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA).
Bởi vậy, trong trường hợp quân đội Chính phủ Syria giành được Idlib thì quân khủng bố cũng như các nhóm vũ trang nổi dậy gần như không còn thành trì lớn nào tại quốc gia Trung Đông này, ngoại trừ một vài vùng đất nhỏ rải rác, đồng nghĩa với việc chấp thuận thất bại hoàn toàn.
Thêm vào đó, từ khi Nga tham chiến, cuộc xung đột ở Syria đã diễn tiến theo hướng có lợi cho chính quyền Damascus. Thắng lợi ở Idlib có thể coi là bước ngoặt giúp tiến trình hòa giải chính trị ở Syria diễn ra nhanh chóng, với ưu thế thuộc về Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hiện chiến dịch quân sự của Syria ở Idlib đang vấp phản ứng kịch liệt từ Mỹ, quốc gia đe dọa tấn công phủ đầu nước này nếu Tổng thống Syria Bashar Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học "một lần nữa".
Trong khi đó, giới chức Nga đang nỗ lực cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tìm kiếm giải pháp chính trị cũng như sớm tách biệt các nhóm phiến quân khỏi khủng bố để tránh thương vong cho dân thường trong các chiến dịch quân sự.