Phép thử lớn nhất sau Thế chiến II tên COVID-19
- Việt Nam có 40 ca COVID-19 từ "ổ dịch" Bạch Mai, thế giới trải qua ngày bi thảm nhất
- Hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ trong 24 giờ
- Tình báo Mỹ tố Trung Quốc che giấu sự bùng phát của COVID-19
Trong báo cáo với tiêu đề “Chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu: Ứng phó với các tác động kinh tế - xã hội của COVID-19”, Tổng Thư ký LHQ khẳng định rằng, dịch bệnh này là phép thử lớn nhất mà các nước phải cùng nhau đối mặt kể từ khi thành lập LHQ. Ông Guterres cho biết, còn hơn cả một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, đại dịch này là cuộc khủng hoảng về con người khi nó “đang tấn công mạnh mẽ xã hội từ tận sâu trong cốt lõi”.
Một nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại quảng trường Duomo, Milan, Italia, tâm dịch của châu Âu. Ảnh: AP. |
Xuất hiện ngày càng nhiều những dự đoán về “kịch bản xấu nhất” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổ chức Lao động quốc tế cho biết sẽ có 25 triệu người trên thế giới bị mất việc làm và thế giới sẽ thiệt hại khoảng 860 đến 3.400 tỷ USD thu nhập lao động.
Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển dự báo áp lực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 30 đến 40%, trong khi Tổ chức Du lịch thế giới cho biết đã giảm 20% đến 30% lượng khách quốc tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ cũng dự báo sẽ có 1,5 tỷ học sinh phải nghỉ học do COVID-19.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 1/4 cũng cho biết, ít nhất 11 triệu người tại châu Á sẽ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo do dịch, đây là kịch bản tồi tệ nhất được đưa ra khi khu vực này bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế mạnh nhất trong hơn 20 năm qua. WB dự báo tăng trưởng khu vực sẽ chỉ còn 2,1% vào năm 2020, giảm mạnh so với 5,8% của năm 2019. Tuy vậy, trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng kinh tế khu vực chỉ còn 0,5%.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, không còn nhiều thời gian để hành động và hiệu quả sẽ được thể hiện thông qua mức độ phối hợp toàn cầu chứ không phải của cá nhân một nước riêng lẻ nào. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, thế giới cần chung tay hợp tác nếu muốn giảm tác động xã hội và kinh tế do dịch COVID-19 lên dân số toàn cầu.
“Cuộc khủng hoảng con người này đòi hỏi phải có hành động chính sách phối hợp, quyết đoán, toàn diện và đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tối đa cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh ba ưu tiên trong kế hoạch hành động để đối phó với COVID-19.
Một là ngăn chặn sự lây lan nhanh trong cộng đồng với việc các quốc gia phát triển phải ngay lập tức giúp đỡ các nước kém phát triển tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, cũng như khả năng thích ứng của những nước này trước đại dịch.
Thứ hai là đảm bảo mạng sống cũng như cuộc sống của người dân trong đại dịch. LHQ đang thiết lập một quỹ để giúp đỡ những nước nghèo và có thu nhập thấp đối phó với các vấn đề khẩn cấp và khôi phục sau đại dịch.
Thứ ba là rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng này để xây dựng biện pháp ứng phó tốt hơn cho sau này, với việc xây dựng một nền kinh tế và xã hội bền vững, toàn diện để có thể đương đầu với mọi thách thức.
Kế hoạch toàn cầu mới chống COVID-19 của LHQ được đưa ra trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên 858.126 với hơn 42.000 người tử vong tính đến chiều 1-4. Tâm dịch của thế giới hiện giờ là Mỹ, Italia và Tây Ban Nha.
Tại Mỹ, hơn 80% dân số nước này đang được đặt dưới lệnh “ở nhà” hoặc “trú ẩn tại chỗ”. Cùng với đó là 185.499 ca nhiễm và 3.834 ca tử vong vì COVID-19. Toàn châu Âu ghi nhận hơn 30.000 người tử vong, hơn 3/4 số người xấu số này là ở Italy và Tây Ban Nha. Italia cho đến nay ghi nhận 12.428 ca tử vong và 105.792 ca nhiễm.
Tại Tây Ban Nha có 95.923 ca nhiễm và 8.464 ca tử vong, số liệu của Đại học John Hopkins. Hàng loạt nước đã công bố lệnh cấm di chuyển và nhiều biện pháp chặt chẽ khác nhằm chống sự lây lan của dịch bệnh. Dịch COVID-19 khiến nhiều nước hủy hoặc hoãn hàng loạt sự kiện lớn, trong đó phải kể đến Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 7 và 8-2021.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 31-3 đã cảnh báo về một giai đoạn “đau đớn” và “khó khăn” kéo dài hai tuần sắp tới khi ông mở rộng các biện pháp chống dịch trên toàn quốc. “220.000 người có thể sẽ chết và điều này có thể xảy ra trong những tuần sắp tới. Đây sẽ là những tuần khó khăn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng hạ thấp nhất số người tử vong có thể và đó là tất cả những gì chúng tôi đang làm hiện nay”.
Bên cạnh tâm dịch châu Âu và Mỹ, hiện cũng có nhiều lo ngại về các điểm nóng COVID-19 mới có thể sắp được hình thành tại Trung Đông và châu Phi, khi nỗ lực phòng chống, phát hiện hay ứng phó với dịch đang bị cản trở bởi hệ thống y tế yếu kém và xung đột.
LHQ trước đó cảnh báo, các trường hợp mắc bệnh được thông báo gần đây tại một số quốc gia ở khu vực này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Khi dịch bắt đầu lây lan trong cộng đồng thì những quốc gia này sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khó đoán định.
Thêm nữa, các trại tị nạn quá tải trên khắp thế giới đang trở thành điểm nóng về dịch COVID-19. Hy Lạp ngày 31-3 thông báo trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 đầu tiên trong hàng nghìn người di cư tập trung tại các trại tị nạn của nước này. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo, các trại tị nạn sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus lan rộng do tình trạng đông đúc và thiếu những điều kiện vệ sinh cơ bản.