Ông Biden chấm dứt kỷ nguyên "nước Mỹ trên hết"

Thứ Bảy, 20/02/2021, 11:45
Những thông điệp trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên trước các đồng minh của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy ông đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên "nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm và bắt đầu kỷ nguyên "nước Mỹ trở lại".


Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/2 đã xuất hiện lần đầu tiên trước các diễn đàn đa phương, gồm Hội nghị nhóm G7 và Hội nghị an ninh Munich trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng, trong đó ông đã gửi đi thông điệp đối ngoại xuyên suốt về việc "nước Mỹ đã trở lại", đồng thời đề cao giá trị của các cơ chế đa phương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: UPI

"Tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại", ông Biden nói từ Nhà Trắng trong cuộc họp trực tuyến Hội nghị an ninh Munich, nơi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng tham dự.

Dù cái tên Donald Trump không được nhắc đến, hầu như mọi câu trong phát biểu của ông Biden đều có thông điệp rõ ràng về việc vị Tổng thống Mỹ sẽ đảo ngược các chính sách và cách tiếp cận của người tiền nhiệm về cái gọi là "nước Mỹ trên hết", theo Guardian.

Đầu tiên, ông Biden đã nhắc lại việc chính quyền của ông đã chính thức trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris hôm 19/2. Trước đó vài giờ, Mỹ truyền đi thông điệp sẵn sàng tái tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân đa phương với Iran, vốn được các đồng minh châu Âu của Mỹ mong đợi suốt hai năm qua. Cả hai bước đi này đều đối nghịch với cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của ông Trump.

Tương tự, Mỹ cũng quay lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ông Biden nói tại Hội nghị G7 rằng Mỹ sẽ sớm chuyển tiền cho tổ chức này để thúc đẩy cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu.

Ông Biden đã công bố 4 tỷ USD hỗ trợ mới cho chương trình cung cấp vaccine toàn cầu COVAX do WHO chủ trì, đưa Mỹ trở thành quốc gia chi nhiều tiền nhất cho nỗ lực phân phối vaccine đến mọi ngõ ngách trên trái đất.

Tân Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi sức mạnh của NATO và vai trò của Mỹ, vốn bị lu mờ đáng kể trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump. "Với tôi và nước Mỹ, cũng như với tất cả chúng ta, chúng tôi sẽ giữ vững niềm tin với Điều 5 (của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Đó là sự bảo đảm. Tấn công một nước sẽ là tấn công cả khối", Tổng thống Biden nói.

Trong mối quan hệ với Nga, ông Biden bác bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm về việc tái lập G8 - nhóm trở thành G7 vì Nga bị trục xuất sau vụ sáp nhập Crimea.

Tân Tổng thống Mỹ cũng cam đoan ông sẽ giải quyết các hành động từ Moscow mà Washington cho là đang tìm cách làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây, bao gồm các cuộc tấn công mạng và các chiến dịch gây ảnh hưởng trên mạng xã hội. Đến nay, Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc nêu trên.

Về Trung Quốc, tân chủ nhân Nhà Trắng cho rằng, Mỹ và châu Âu " phải cùng chuẩn bị cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc". Các lĩnh vực cạnh tranh theo lời ông Biden sẽ gồm các vấn đề trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Ông Biden cũng khẳng định sẽ buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc quốc tế về vấn đề thương mại. "Mọi người đều phải tuân theo các quy tắc như nhau", Tổng thống Mỹ nói.

Quan điểm của ông Biden nhận được sự ủng hộ từ châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Mỹ và châu Âu rõ ràng nên xác định lại cách tiếp cận chung đối với Trung Quốc và Nga. Bà cũng đề cao việc Tổng thống Joe Biden muốn tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong khi đó, theo Reuters, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ca ngợi cách tiếp cận của chính quyền ông Biden. "Nước Mỹ đã trở lại một cách đáng kinh ngạc với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do và đó là một điều tuyệt vời", ông Johnson phát biểu.

Thiện Nhân
.
.
.