“Nhân danh thế giới” tấn công Syria, ông Trump thật sự muốn gì?
- 36 tên lửa Tomahawk của Mỹ đã “bay lạc” trong vụ không kích Syria1
- Đã có dân thường thiệt mạng vụ Mỹ tấn công tên lửa Syria
- Máy bay của Syria cất cánh trên sân bay vừa bị Mỹ tấn công
- Vì sao hệ thống phòng không Syria bất lực trước vụ tấn công của Mỹ?
Hôm 7-4, Quân đội Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, đã phát động một vụ tấn công trực diện đầu tiên vào căn cứ quân sự của Quân đội Chính phủ Syria. Cuộc tấn công được ông Trump mệnh danh là "nhân danh thế giới" được thực hiện chỉ 1 ngày sau vụ tấn công bằng khí hóa học khiến hơn 80 người thiệt mạng, gồm nhiều trẻ em, tại thị trấn Khan Sheikhoun.
Mỹ, mặc dù chưa tiến hành điều tra nhưng kết luận Chính phủ ông Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng khí độc và phải “trả giá vì hành động đó”. Vụ không kích của Mỹ sau đó đã khiến 4 binh lính và 6 dân thường Syria thiệt mạng.
Chưa như mong đợi
Ngay sau vụ tấn công, chính quyền của ông Trump ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh. Vụ tấn công cũng là lần đầu tiên quyết sách của ông Trump nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình từ cả phía đảng Cộng hòa và phản ứng khá “mềm mỏng” từ phía đối thủ bên đảng Dân chủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Thực tế này cho thấy giới lập pháp Mỹ dường như đang rất nôn nóng trước việc Mỹ không hành động gì quyết liệt tại chiến trường Syria trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al- Assad với sự trợ giúp của Nga liên tiếp đạt nhiều bước tiến lớn trong cả cuộc chiến chống IS và đẩy lùi lực lượng phiến quân.
Tuy nhiên, tờ USA Today lại nhận định rằng cuộc tấn công diễn ra trước khi ra Nhà Trắng chưa nắm hết được hành động quân sự của mình có hiệu quả đến mức nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối ngoại. Điều đó đã khiến quan chức ngoại giao Mỹ lúng túng khi nói đến ưu tiên của Mỹ trong chính sách tại Syria.
Theo đó, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định rằng mục tiêu trước hết của Mỹ ở Syria là "đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại tuyên bố thay đổi chế độ ở Damascus là điều "ưu tiên và không thể tránh khỏi" của Washington.
Những tuyên bố tiền hậu bất nhất của các quan chức Nhà Trắng về chính sách đối với Syria ít nhiều đã khiến dư luận ít tin tưởng chính quyền của Trump có một chiến lược dài hơi và nhất quán để giải quyết xung đột tại quốc gia Trung Đông.
Trong một diễn biến khác, sân bay Al-Shayrat, “đích đến” của 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ đã được đưa vào sử dụng lại ngay trong ngày 8-4, 1 ngày sau vụ không kích. Như vậy, rõ ràng căn cứ Shayrat không hề bị thiệt hại nặng nề sau đòn tấn công của Mỹ.
Theo ông Moustafa Bayoumi, giáo sư tại Đại học Brooklyn, New York, việc này minh chứng Mỹ đã tung một đòn đánh vào hư vô khi chưa thể “dọa nạt” Syria bằng hành động vũ lực.
Nhắm thẳng vào CHDCND Triều Tiên?
Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh ông Tập đang có chuyến thăm Mỹ để bàn về nhiều vấn đề quan trọng mang tính định hình mối quan hệ của Trung Quốc và Mỹ trong vài năm tới. Theo giới quan sát, vụ tấn công có thể là Các nhà quan sát cho rằng ông muốn tung bài dằn mặt Chủ tịch Trung Quốc ngay trước giờ đàm phán về vấn đề Triều Tiên.
Trước đó, hôm 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày từng tuyên bố Washington sẽ đơn phương hành động để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên nếu không nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Vụ tấn công diễn ra khi ông Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Mỹ. Ảnh: AP |
Theo tuyên bố của mình, ông Trump cho biết khả năng Mỹ sẽ sử dụng thương mại nhằm bảo đảm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, song không loại trừ trường hợp sẽ tự giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nếu cần.
“Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Và Trung Quốc sẽ quyết định có hỗ trợ trong vấn đề Triều Tiên hay không”, Tổng thống Trump nêu rõ. Ông Trump cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh giúp đỡ, điều đó sẽ tốt cho Trung Quốc, còn ngược lại, sẽ "không tốt cho bất kỳ ai".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết, "Nếu Trung Quốc không có ý định giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi (Mỹ) sẽ làm". Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến biện pháp có thể buộc Triều Tiên phải nhượng bộ trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Do vậy, vụ tấn công nhằm vào Syria dường như khẳng định Mỹ sẵn sàng hành động đơn phương để giải quyết mọi vấn đề quốc tế mà nước này cho là sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Tái khẳng định quan điểm của ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng nói rằng mục đích của Mỹ khi dội tên lửa tấn công sân bay quân sự Syria là nhằm phát đi thông điệp tới "bất cứ quốc gia nào hành động ngoài thông lệ quốc tế" và cho hay “diều này rõ ràng cho thấy Tổng thống sẵn sàng hành động quyết đoán trong trường hợp cần thiết”.
Theo truyền thông quốc tế, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Mỹ lần này có vẻ như chưa đạt được một số thỏa thuận như chính quyền Mỹ mong muốn nên Washington đã quyết định hành động nhằm tăng cường gây áp lực tâm lý lên Bắc Kinh trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 9-4, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã di chuyển về khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây được xem là hành động tăng cường phô trương sức mạnh mới nhất của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên bị đẩy lên cao do các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.