Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều:

Nguyên nhân nào khiến CHDCND Triều Tiên thay đổi chính sách?

Thứ Hai, 11/06/2018, 08:35
Sau một lần bị hủy bỏ, cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối cùng sẽ vẫn diễn ra như dự kiến vào ngày 12-6 tại Singapore. Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân vật mang tính quyết định trong việc thúc đẩy cuộc gặp mang ý nghĩa lịch sử này và cuộc thượng đỉnh liên Triều trước đó chính là nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Nếu không có quyết định của nhà lãnh đạo này, sẽ không thể có cục diện hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay, càng không có khả năng thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và ký kết hiệp định hòa bình vĩnh viễn giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân nào đã khiến Bình Nhưỡng nhanh chóng có sự thay đổi lớn như vậy?

Nguyên nhân thay đổi chính sách của Bình Nhưỡng

Thứ nhất, trước lệnh trừng phạt có sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đã dần mất đi động lực phát triển kinh tế, phải đối mặt với tình hình cạn kiệt nguồn ngoại hối, gánh nặng quá lớn về tiêu thụ trong nước, kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kể từ tháng 2-2017 đến nay, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên, tháng 9-2017 bắt đầu dừng nhập khẩu mặt hàng thủy sản, trong khi kim ngạch thương mại Trung-Triều chiếm 93% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Hai mặt hàng than và thủy sản đều chiếm tỷ trọng rất lớn trong thương mại song phương Trung-Triều, than chiếm tỷ trọng trên 40%, thủy sản chiếm tỷ trọng gần 10%.

Có thể thấy việc Bắc Kinh ngừng nhập khẩu các mặt hàng quan trọng của Bình Nhưỡng đã cắt giảm đáng kể nguồn ngoại hối của Triều Tiên. Suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội, trên thực tế người ta khó có thể khẳng định liệu Bình Nhưỡng với bề ngoài có vẻ vững chắc có thể cầm cự lâu dài được hay không.

Thứ hai, ngoại giao Triều Tiên thời gian dài ở trong tình trạng cô lập. Đặc biệt là việc quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc xấu đi cũng khiến Triều Tiên mất đi sự đảm bảo về an ninh. Ông Kim Jong-un hiểu rất rõ ràng khả năng tìm ra cách sinh tồn trong sự kìm kẹp Mỹ-Hàn và Trung Quốc là quá thấp với cái giá quá đắt, việc khó khăn bên trong và bên ngoài dẫn đến sự sụp đổ của chế độ có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Ở vào thế lo lắng về địa chiến lược và cảm giác cấp bách về sự sinh tồn của chế độ, nhà lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh, sau khi có được sự ủng hộ chính trị kiên định của Bắc Kinh, ông tiếp tục tiến về phía trước.

Thứ ba, vì có cơ hội “nghìn năm có một” là Olympic mùa Đông PyeongChang, việc tổ chức đối thoại giữa hai miền Triều Tiên đã có sẵn nền tảng, nếu bỏ lỡ cơ hội tốt này, e rằng cơ hội sẽ không còn đến nữa. Bình Nhưỡng hiểu rõ rằng, việc cử phái đoàn vận động viên và đội cổ vũ tới Olympic PyeongChang không chỉ dễ thực hiện mà còn đem lại hiệu ứng PR tốt hơn, cũng như có thể mở rộng sức ảnh hưởng về “lựa chọn đúng đắn” của ông Kim Jong-un ở Hàn Quốc, thêm nhiều lợi ích như vậy tại sao không làm?

Đương nhiên, Bình Nhựỡng cho rằng, sau 6 vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên “đã trở thành một cường quốc về vũ khí hạt nhân”; chính sách đồng thời phát triển tên lửa hạt nhân và xây dựng kinh tế cũng đã hoàn thành sứ mệnh. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do ông Kim Jong-un sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ.

Thẳng thắn mà nói, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định triển khai đối thoại liên Triều và đối thoại Mỹ-Triều là lấy “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” làm bước đệm, lấy “giải quyết khó khăn kinh tế” làm mục tiêu.

Nhiều người cho rằng, ông Kim Jong-un cần phải nghiêm túc. Tuy nhiên, tấm gương tày liếp từ thất bại của “chính sách Ánh Dương” cũng là một thực tế. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba đem lại hiệu quả “giải quyết dứt điểm”, vấn đề phi hạt nhân hóa và kết thúc chiến tranh, ký kết Hiệp định hòa bình vĩnh viễn giữa hai miền Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục được đàm phán trong thời gian tới, nhưng đây sẽ không thể là cuộc đàm phán “một bước là tới”, càng không phải “một lần là xong”, vấn đề Bán đảo Triều Tiên rối rắm phức tạp, các bên cũng không thể thành công trong một sớm một chiều, thêm vào đó “nhân tố Mỹ”có vai trò xuyên suốt tư đầu đến cuối tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, do vậy vẫn chưa thể biết được sắp tới các bên liên quan có thể tiếp tục tiếp xúc, đối thoại và hợp tác hay không.

Cốt lõi trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên là an ninh, Triều Tiên có mối quan tâm hợp tinh hợp lý về an ninh, ở một mức độ nào đó, việc phát triển vũ khí hạt nhân cũng là một thực tế trước tình thế “lực lượng quân sự không cân đối” giữa hai miền Triều Tiên, có “tính ép buộc” và “tính cấp bách”.

Trung Quốc luôn nhấn mạnh cần phải chú ý đến mối quan tâm hợp lý về an ninh của Triều Tiên, việc thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng không nên chỉ gắn cả đòi hỏi Triều Tiên đơn phương “từ bỏ chương trình hạt nhân”, mà còn cả đòi hỏi các bên liên quan không phát triển, triển khai vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, không lấy vũ khí hạt nhân làm mối đe dọa.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in.

Cộng đồng quốc tế cần phải cho Triều Tiên một lối thoát

Bất kể thế nào, Triều Tiên đã chủ động có một bước đi quan trọng, cộng đồng quốc tế không có lý do gì để không coi trọng, không có hành động tương ứng để bù đắp lại hợp lý cho những gì Triều Tiên đã “từ bỏ”. Đem đến cho Triều Tiên một con dường sống đã trở thành điều kiện tiên quyết và cơ sở cần thiết cho việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Để phù hợp với sự thay đổi chính sách của Triều Tiên, tiếp tục tăng cường lòng tin chính trị giữa các bên và tạo ra một bầu không khí tốt cho các bước đàm phán thiết thực sắp tới, cộng đồng quốc tế cần phải làm một loạt các hành động.

Thứ nhất, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nên đánh giá lại tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, phân tích động cơ và mục đích thực sự trong việc thạy đổi chính sách của Bình Nhưỡng, đồng thời xem xét lại các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên đã được thông qua trước đây, dựa trên nguyên tắc “vừa làm vừa quan sát”, từng bước nới lỏng các điều khoản trừng phạt riêng biệt và không trực tiếp liên quan đến việc phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thứ hai, nên cho phép hủy bỏ các “biện pháp trừng phạt đơn phương” mà Mỹ-Nhật-Hàn áp đặt với Triều Tiên mà chưa được sự đồng ý của HĐBA LHQ. Cái gọi là “biện pháp trừng phạt đơn phương” là những biện pháp trừng phạt căn cứ theo luật pháp của các nước này, chưa xin phép HĐBA LHQ, đo đó đi ngược lại tinh thần của Hiến chương LHQ. Các hành động đơn phương chỉ làm tăng hành vi thù địch, không có lợi cho việc giải quyết bất cứ vấn đề nào.

Thứ ba, từng bước khôi phục viện trợ nhân đạo và dỡ bỏ lệnh cấm đối với Triều Tiên liên quan những lĩnh vực dân sự. Ví dụ, có thể dỡ bỏ dần trừng phạt hoặc khôi phục hoạt động trong các lĩnh vực như hàng không dân dụng, vận tải biển, thông tin liên lạc dân sự, chuyển tiền cá nhân và trao đổi ngoại tệ, đăng ký kinh doanh ở nước ngoài và trao đổi thông thường ...

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ rõ mối quan hệ liên Triều đang ở một điểm khởi đầu lịch sử mới, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, nhân cơ hội tổ chức hội nghị thượng đỉnh, hai bên sẽ kề vai sát cánh song hành.

Tóm lại, Bình Nhường đã sẵn sàng nỗ lực để thực hiện phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, cộng đồng quốc tế cũng cần phải có những bước hỗ trợ tương ứng và sự ủng hộ quyết đoán. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc chung là bình đẳng về cam kết và hành động đi kèm giữa hai bên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.