Nga tố phương Tây tái diễn “vở kịch Syria”
- Ngoại trưởng Nga: Mỹ nợ một lời giải thích về vụ bắn hạ Su-22
- Nga – Mỹ đồng lòng vây hãm tứ phía IS tại thành trì Raqqa1
- Nga - Mỹ: Cuộc gặp gỡ vớt vát
- Mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức tồi tệ nhất mọi thời đại
Hãng Sputnik ngày 29-6 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Bộ này đã thu thập được một số dữ liệu mới cho thấy phương Tây đang có kế hoạch thực hiện những hành động khiêu khích ở Syria liên quan tới vụ tấn công nghi là sử dụng chất độc hóa học hồi tháng 4 vừa qua tại thị trấn Khan Shaykhun.
Bên cạnh đó, Moscow cũng khẳng định sẽ đưa ra những phản ứng “phù hợp” nếu Mỹ có hành động quân sự để đối phó với cái mà Washington gọi là vụ tấn công hóa học của quân đội Chính phủ Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga María Zajárova khẳng định: “Chúng tôi có trong tay những dữ liệu mới. Chúng tôi tin rằng, họ (phương Tây) đang chuẩn bị một vở kịch tương tự, một sự khiêu khích tương tự”.
Trước đó 1 ngày, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phản ứng với lòng tự trọng, phù hợp với tình hình thực tế có thể diễn ra”.
Cuộc “so gang” Nga và phương Tây vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh minh họa) |
Ngoại trưởng Lavrov đồng thời bày tỏ hy vọng các đối tác phương Tây sẽ có cách tiếp cận cởi mở và trên tinh thần hợp tác nhằm hạ nhiệt tình hình tại điểm nóng Trung Đông này, thông qua bình thường hóa tình hình nhân đạo.
Ông khẳng định Moskva luôn thể hiện thiện chí, đặc biệt là tại các vòng đàm phán hòa bình tại thủ đô Astana (Kazakhstan).
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng hy vọng Mỹ không sử dụng các đánh giá tình báo về những kế hoạch của chính quyền Syria làm cớ cho các hành động “khiêu khích” tại Syria.
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó Đại diện thường trực của Nga Vladimir Safronkov tái khẳng định các nước cần phải tránh hành động khiêu khích và đơn phương tại Syria cũng như cần hỗ trợ các cuộc hòa đàm sắp tới tại thủ đô Astana và Geneva.
Theo ông Safronkov, Moskva sẽ tiếp tục yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập, dựa trên các quan điểm mang tính chuyên môn để xem xét và rút ra kết luận về vụ tấn công nghi là sử dụng chất độc hóa học hồi tháng 4 vừa qua.
Những tuyên bố trên của giới chức ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo Syria có thể phải trả giá đắt nếu tiến hành các vụ tấn công hóa học và sau cảnh báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi về khả năng quân đội Mỹ có thể tấn công Syria.
Ông Qasemi nhấn mạnh, mọi hành động quân sự chống lại Syria với cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học sẽ chỉ có lợi cho những kẻ khủng bố, đồng thời bác bỏ những tuyên bố của chính quyền Washington cáo buộc Chính phủ Syria vẫn đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hoá học tại nước này.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Moskva nên tìm cách để phát triển mối quan hệ với Washington, bất chấp những “hòn đá cản đường”, và một đám “mây vũ tích” đang phủ kín quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong một diễn biến liên quan, Điện Kremlin hôm 28-6 tuyên bố Nga bảo lưu quyền áp dụng các hành động đáp trả nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) sau khi khối này quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva.
Thông báo của Điện Kremlin nhấn mạnh, “EU đã mở rộng lệnh trừng phạt đối với Nga, do đó Nga cũng sẽ bảo lưu quyền đưa ra các biện pháp trả đũa. Về mặt chính trị, mỗi hành động đều có phản ứng tương xứng. Chẳng ai lại tự mình bỏ đi nguyên tắc có đi có lại”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov cũng bày tỏ lấy làm tiếc trước việc EU gia hạn trừng phạt Nga.
Theo ông Meshkov, các biện pháp này không thể giúp giải quyết các nhiệm vụ liên quan tới nước Nga đối với EU.
Quan chức Ngoại giao Nga cho rằng, các chuyên gia độc lập của chính các nước EU với nhiều số liệu đã chứng minh các biện pháp trừng phạt và các biện pháp đáp trả từ phía Nga gây thiệt hại trước hết cho nền kinh tế EU.
Trước đó cùng ngày, EU đã chính thức gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến ngày 31-1-2018 với lý do Moskva đã không thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào ngày 31-7 khi các biện pháp hiện tại hết hạn. Các lãnh đạo EU đã đưa ra quyết định này tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ sau khi nghe Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - lãnh đạo các quốc gia đồng bảo trợ cuộc đàm phán Minsk, thông báo về tình hình trên thực địa.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa khối này và Nga. Moskva đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU hiện vẫn còn hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.