Nga tố JIT thiên vị và mang động cơ chính trị trong vụ MH17

Thứ Sáu, 30/09/2016, 08:20
Ngay sau khi Nhóm điều tra chung (JIT) do Hà Lan đứng đầu để điều tra về khía cạnh tội phạm liên quan tới vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) rơi cách đây 2 năm làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng công bố báo cáo mới nhất về vụ việc, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố bác bỏ kết luận này của JIT, khẳng định các nhà điều tra quốc tế đã ngăn cản Moskva tham gia đầy đủ vào tiến trình điều tra này. Phía Nga nhận xét, kết quả điều tra của JIT là “thiên vị” và “mang động cơ chính trị”.

Trong bản báo cáo của mình, JIT kết luận rằng, chiếc MH17 bị rơi là do trúng tên lửa Buk mang số series 9M38 được bắn đi từ khu vực do lực lượng đòi độc lập thân Nga ở miền Đông Ukraine kiểm soát. Hệ thống tên lửa này đã được chuyển từ Nga vào miền Đông Ukraine và đã được chuyển trả về Nga sau khi sử dụng.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, dữ liệu radar của quân đội Nga cho thấy máy bay MH17 chắc chắn không bị bắn hạ bởi tên lửa phóng từ vùng lãnh thổ do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014.

“Thật không may, toàn bộ câu chuyện này bị thêu dệt, bởi rất nhiều suy đoán, những thông tin thiếu chuyên môn và thiếu chuyên nghiệp. Câu chuyện có dính dáng đến sự che giấu toàn bộ mảng thông tin và dữ liệu radar của một số nước”, ông Peskov nói và lưu ý rằng, Moskva đã bàn giao tất cả các thông tin về vụ tai nạn mà Nga có.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cũng nhấn mạnh, tên lửa đất đối không Buk của Nga chưa bao giờ được đưa qua biên giới Nga – Ukraine.

Ông Konashenkov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã nghiên cứu kết luận của JIT và Nga nghi ngờ tính khách quan trong các kết luận đưa ra ngày 28-9, do nó chỉ dựa vào hai nguồn tin là Internet và cơ quan tình báo Ukraine, mà không hề nghiên cứu thông tin do phía Nga cung cấp dù Moskva luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả những gì cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra khách quan về thảm họa MH17.

Bên cạnh đó, hãng sản xuất tên lửa Almaz-Antey (Nga), chuyên chế tạo tổ hợp tên lửa BUK, cũng lên tiếng bác bỏ kết quả điều tra trên. Nhà sản xuất Almaz-Antey khẳng định tên lửa BUK bắn rơi máy bay MH17 được bắn đi từ phần lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát và kết quả điều tra nói trên không có các bằng chứng kỹ thuật đi kèm.

Hiện trường máy bay MH17 rơi. Ảnh: Reuters

Về phía Bộ Ngoại giao Nga, Người phát ngôn Bộ này Maria Zakharova bày tỏ: “Nga thất vọng về cuộc điều tra thảm họa máy bay Boeing. Kết luận này cho thấy cuộc điều tra là thiên vị và mang động cơ chính trị” và tuyên bố: “Tự chỉ định người có tội và nghĩ ra kết quả mong muốn đã trở thành tiêu chuẩn cho các đồng nghiệp Phương Tây của chúng tôi”.

Theo bà Zakharova, việc đưa Ukraine làm thành viên của nhóm điều tra chung đã tạo cơ hội gây xáo trộn bằng chứng và xoay chiều vụ việc theo hướng có lợi cho họ.

Bà nêu rõ: “Ngay từ đầu Nga đã đề xuất cùng làm việc với nhau và chỉ dựa trên các sự kiện. Nhưng thay vào đó, các nhà điều tra quốc tế đã không cho Moskva tham gia đầy đủ vào cuộc điều tra, mà chỉ cho đóng một vai trò thứ yếu”.

Bà Zakharova khẳng định cuộc điều tra đến nay vẫn tiếp tục bác bỏ các bằng chứng không thể chối cãi do phía Nga cung cấp, bất chấp thực tế Nga là nước duy nhất gửi các thông tin đáng tin cậy cho tổ điều tra, đồng thời bày tỏ hy vọng các dữ liệu radar mới do Nga cung cấp sẽ khiến các nhà điều tra sửa đổi kết quả mới công bố.

Chỉ huy hàng đầu của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông cũng đã phủ nhận những kết quả điều tra của JIT cho rằng họ đã bắn hạ máy bay MH17 bằng một tên lửa của Nga từ khu vực do lực lượng này kiểm soát.

Tướng Eduard Basurin của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng nêu rõ, các lực lượng của DPR không thể bắn máy bay MH17 bằng hệ thống tên lửa BUK do Nga sản xuất, bởi vì họ không có loại vũ khí này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine nhận định, kết luận của JIT đã “một lần nữa chỉ ra sự dính líu trực tiếp của quốc gia gây hấn trong vụ bắn hạ chiếc máy bay”.

Tuyên bố này được cho là ám chỉ tới Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh danh tính thủ phạm của vụ việc phải được xác định càng sớm càng tốt.

Ông nói: “Theo chỉ đạo của tôi, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp tiếp tục công việc kiên trì của họ và chúng tôi quyết định rằng, trường hợp thảm kịch MH17 sẽ được giải quyết bằng cách áp dụng luật trong nước. Đó là lý do tại sao tôi hướng dẫn các Bộ Ngoại giao, cơ quan dịch vụ an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp hành động để cùng với nhóm điều tra quốc tế đưa ra kết quả điều tra cuối cùng và danh tính của thủ phạm càng sớm càng tốt”.

Đồng quan điểm, Malaysia cũng đề nghị đẩy nhanh tiến trình truy tố thủ phạm. Cùng với đó, theo thông tin mới nhất, ngày 29-9, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố sẽ tạo áp lực trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc buộc Nga hợp tác để truy tố kẻ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia.

Ông Turnbull nhấn mạnh: “Từng nạn nhân bị giết vì tên lửa được mang sang từ Nga, được bắn với sự biết trước của Nga đều đang yêu cầu công lý. Và chúng tôi sẽ nỗ lực không mệt mỏi để đảm bảo công lý được thực thi”. Theo ông Turnbull, ngoài Australia, Hà Lan cũng sẽ có hành động tương tự.

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh báo cáo mới nhất của JIT về vụ MH17, nhưng đã phần nào giúp làm sáng tỏ loại tên lửa được sử dụng để bắn rơi MH17 cũng như địa điểm chính xác tên lửa được bắn đi.

Bên cạnh đó, Trưởng nhóm điều tra quốc tế, công tố viên người Hà Lan Fred Westerbeke  cho biết nhóm điều tra “đã xác định khoảng 100 người” được cho là có “vai trò lớn” trong việc vận chuyển hệ thống tên lửa đã được dùng để bắn rơi máy bay xấu số trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ danh tính của các đối tượng này.

Ông Westerbeke nhấn mạnh cần xác định đầy đủ thông tin về toàn bộ quá trình tổ chức và ra lệnh bắn hạ chiếc máy bay và kêu gọi không vội vàng cáo buộc Nga trong vụ việc này.

Khổng Hà
.
.
.