Nga cảnh báo Mỹ tránh “quân sự hóa” Đông Bắc Á

Chủ Nhật, 25/09/2016, 06:53
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi cuối tuần qua đã lên tiếng cảnh báo Mỹ tránh “quân sự hóa” tại Đông Bắc Á, đồng thời hối thúc Washington ngừng sử dụng cáo buộc về mối đe dọa tiềm ẩn từ CHDCND Triều Tiên làm “cái cớ” để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, tất cả các bên liên quan cần kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng tìm giải pháp chính trị ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua nối lại đàm phán 6 bên.

Tại khu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc đã cùng nhau phô trương sức mạnh quân sự để biểu lộ sự sẵn sàng đối trả hành động quân sự của CHDCND Triều Tiên và phát đi thông điệp răn đe Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng và nguy cấp đối với an ninh thế giới, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế sẽ hối hận nếu “không kịp thời tháo gỡ quả bom hẹn giờ mang tên vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng”.

Khu vực bãi thử Punggye-ri, nơi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5.  Ảnh: EPA.

Hôm 21-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc luôn sẵn sàng chiến đấu, thậm chí “ngay tối nay” để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, trong cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 71 mới diễn ra hồi cuối tuần qua tại New York (Mỹ), Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí sẽ gia tăng áp lực để Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chính sách đối đầu và đe dọa bấy lâu nay không hề đem lại hiệu quả mà chỉ tiếp tục làm căng thẳng gia tăng và khiến nguy cơ chiến tranh ngày một lớn, đe dọa sự sống của người dân trên Bán đảo Triều Tiên, cần tìm những phương án tiếp cận mới để giải quyết “điểm nóng” này.

Trong khi đó, theo giới phân tích chính trị, tình trạng căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh đang bộc lộ những sai lầm và thất bại thảm hại trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Đã đến lúc người ta cần có các nỗ lực đặc biệt nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên, một giải pháp như vậy chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán về một thỏa thuận hòa bình để chính thức kết thúc sự thù địch, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt quân sự hóa khu vực và tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc với mục đích cuối cùng là bình thường hóa quan hệ hai miền Triều Tiên.

Liên quan tới việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc, mặc dù Washington tuyên bố THAAD được dùng để đối phó với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn một mực cho rằng, hệ thống tên lửa sẽ kiềm chế sức mạnh quân sự của 2 nước này.

Trong bài phân tích mang tiêu đề “Chiến tranh lạnh hình thành tại Đông Bắc Á nếu Seoul chấp nhận THAAD”, tờ Tân Hoa Xã chỉ ra rằng, việc triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Hơn nữa, động thái của Washington cũng thúc đẩy quá trình hình thành các liên minh như từng xảy ra trong Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Trong khi đó, tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng, việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc gây ra những khiêu khích không kém việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần 5.

Tờ báo chỉ trích Washington đang vờ như không thể làm gì về vấn đề Triều Tiên và tìm cách đổ lỗi cho các bên: “Người ta nghi ngờ rằng liệu Mỹ có sẵn sàng cho các nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên”, và rằng: “Mỹ đóng góp ngày càng ít cho lợi ích chung trong các vấn đề quốc tế. Nhưng sức sống của nước này trong việc tạo ra rắc rối thì không hề giảm đi chút nào”. Tờ Global Times thì nhận định “liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã hình thành trước khi THAAD được triển khai, trong khi Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên sẽ xem đây là một lý do để xích lại gần nhau, tạo nên cục diện mới tại Đông Bắc Á”.

Hai bên sẽ sở hữu các lực lượng quân sự đối đầu nhau tại nhiều khu vực và liên tục chạy đua vũ trang nhằm thách thức đối phương.

Khổng Hà
.
.
.