Nga-Trung lập “hàng rào” ngăn Mỹ trừng phạt Iran

Thứ Tư, 10/06/2020, 18:16
Nga và Trung Quốc phát đi những thông điệp đồng nhất tại Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm ngăn nguy cơ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran.

Reuters ngày 10/6 cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã lần lượt gửi thư tới toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng Thư ký Antonio Guterres để phản đối việc Mỹ muốn áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran theo các quy định nêu trong thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với nhóm các cường quốc P5 +1, dù Washington đã rút khỏi văn kiện vào năm 2018.

Đại diện các nước biểu quyết tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an. Ảnh: Reuters

“Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Điều đó gợi nhớ lại câu tục ngữ nổi tiếng của Anh về kẻ vừa muốn có cái bánh của người khác trên tay vừa muốn ăn nó”, Ngoại trưởng Lavrov nhắc đến động thái của Mỹ trong bức thư đề ngày 27/5 nhưng mới được công khai trong tuần này. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu trong lá thư ghi ngày 7/6 rằng: “Vì đã không còn là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA), Mỹ không có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an kích hoạt các điều khoản trừng phạt trong thỏa thuận”.

Động thái của Nga và Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có những bước đi quyết liệt nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế của LHQ chống Iran trong trường hợp Hội đồng Bảo an không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào quốc gia Trung Đông. 

Theo JCPOA và Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, lệnh cấm vận nói trên sẽ hết hạn vào tháng 10/2020. Đây được xem là nội dung quan trọng của văn kiện và phía Iran đã mong chờ ngày này suốt 5 năm từ khi JCPOA có hiệu lực để tiếp cận trở lại thị trường vũ khí toàn cầu. 

Cuối năm ngoái, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này có thể mua sắm trang thiết bị quốc phòng từ các nước hoặc xuất khẩu vũ khí một cách chính thức cho các đồng minh ngay khi lệnh cấm vận hết hạn.

Tuy nhiên, với cáo buộc Iran liên tiếp vi phạm JCPOA, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tháng 4 cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Tehran sẽ làm gia tăng bạo lực ở khu vực Trung Đông. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an gia hạn lệnh cấm trước khi Iran “bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới” tại khu vực. 

Phía Mỹ cho rằng họ vẫn là một bên kí kết JCPOA và có quyền lợi của một nước thành viên trong kích hoạt các điều khoản của văn kiện, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nước này khỏi thỏa thuận từ năm 2018. 

Theo Guardian, sau thời điểm ký kết, JCPOA đã được ghi nhận trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ với Mỹ là một thành viên. Washington đã dựa vào chi tiết này để lập luận rằng họ có thể khôi phục các biện pháp trừng phạt chống Iran của LHQ.

Cách đây vài hôm, tờ Washington Post dẫn thông báo của Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cho hay Mỹ đã tham vấn các nước Hội đồng Bảo an, bao gồm Nga, về gói biện pháp trừng phạt Iran. Phía Nga đã lập tức cảnh báo ý đồ của Mỹ là phi thực tế. 

Vẫn trong lá thư gửi các nước Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Guterres, Ngoại trưởng Lavrov nêu: “Mỹ tuyên bố không có kế hoạch quay lại các cam kết theo JCPOA, song vẫn đòi quyền được quy định theo Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, điều này hết sức vô lý và vô trách nhiệm”. 

Ngoại trưởng Lavrov cũng trích dẫn ý kiến của Tòa án Công lý Quốc tế năm 1971, chỉ ra nguyên tắc cơ bản là khi một bên từ chối hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận đã ký thì họ không thể giữ lại quyền lợi xuất phát từ thỏa thuận đó. 

Về phía Iran, nước này đã nhiều lần chỉ trích hành động của Mỹ. Đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht/Ravanchi hôm 7/6 nhắc lại, lời kêu gọi của các quan chức Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran là thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời cho hay việc Washington tự coi mình vẫn là một bên trong JCPOA là một “trò hề”.

Trên thực tế, JCPOA có các điều khoản cho phép tái áp đặt lệnh trừng phạt đối cũng như gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, nếu Tehran được chứng minh đã vi phạm văn kiện. Từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran, Tehran đã dừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận để trả đũa Mỹ và gây sức ép buộc các nước châu Âu thực hiện lời hứa giúp Iran chống đỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nước châu Âu ký JCPOA đã lên án Iran về hành động vi phạm văn kiện và kêu gọi Tehran đảo ngược quyết định, song chưa bày tỏ thái độ chính thức nào về đề nghị trừng phạt Iran của Mỹ. Tháng trước, đại diện Mỹ tại Hội đồng Bảo an khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các đồng minh để đạt được mục tiêu gây sức ép tối đa lên Iran.

Theo RT, để bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an được thông qua, nó sẽ cần ít nhất 9 phiếu thuận và không bị phủ quyết bởi bất cứ thành viên nào trong 5 ủy viên thường trực, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. Các chuyên gia cảnh báo, nếu các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran được tái áp đặt hoặc lệnh cấm vận vũ khí được duy trì, đây sẽ là dấu chấm hết cho JCPOA, vốn có vai trò quan trọng trong kiềm chế quyết tâm chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran.

Thiện Nhân
.
.
.