Mỹ và Trung Quốc cùng tích cực hơn trong vấn đề Triều Tiên

Thứ Hai, 08/07/2019, 07:43
Điều này được thể hiện ở việc Mỹ chủ động điện đàm để thông báo với Trung Quốc về nội dung cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Làng đình chiến Panmunjom. Còn Trung Quốc thì đang tìm cách thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán Mỹ - Triều với loạt động thái ngoại giao gần đây.


Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7-7 dẫn tuyên bố hôm 6-7 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã chủ động thực hiện cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui để thông báo về nội cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra hôm 30-6 tại Nhà tự do ở Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên. 

Trong cuộc điện đàm, ông Stephen Biegun tuyên bố Mỹ sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, ông Luo Zhaohui cho hay, diễn biến gần đây liên quan tới các vấn đề Bán đảo Triều Tiên là chìa khóa thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và Trung Quốc ủng hộ việc Mỹ và Triều Tiên duy trì các kênh liên lạc mở. 

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng hai bên gặp nhau và nối lại các cuộc tham vấn sớm nhất có thể, dựa trên sự đồng thuận mà hai nhà lãnh đạo đạt được”. Cuộc điện đàm được tiến hành sau một loạt sự kiện xảy ra trong vài tuần trở lại đây bắn tín hiệu lạc quan về một màn tái khởi động đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại Nhà Tự do ở DMZ, ông nói hai bên sẽ khởi động đàm phán cấp chuyên viên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong 2-3 tuần tới, nhấn mạnh thêm không vội để đạt thỏa thuận và các lệnh trừng phạt lên quốc gia Đông Bắc Á vẫn được duy trì. 

Tiếp đó, hôm 5-7, người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa bày tỏ tin tưởng vào khả năng kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện “rất tốt đẹp”, với việc Bình Nhưỡng đồng ý thả tù nhân Mỹ và trả lại hài cốt của một số binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. 

Tổng thống Mỹ cũng không quên khẳng định mối quan hệ ngoại giao thân thiện với Chủ tịch Kim Jong-un. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều còn được thể hiện ở việc, trong thời gian qua, hai nhà lãnh đạo liên tục trao đổi thư từ với nhau. 

Hôm 24-6, Tổng thống Donald Trump cho biết đã gửi bức thư “rất thân thiện” tới Chủ tịch Kim Jong-un để hồi đáp lời chúc mừng sinh nhật mà ông nhận được trong bức thư hôm 10-6 của nhà lãnh đạo Triều Tiên. 

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết trong bức thư ngày 10-6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới ông, đồng thời nhấn mạnh đây là một bức thư “ấn tượng” và “rất nồng ấm”.

Cái bắt tay thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ở ranh giới hai miền Triều Tiên ngày 30-6. Ảnh: KCNA

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cũng xác nhận Tổng thống Donald Trump đã gửi thư tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un và hai nhà lãnh đạo đang trao đổi thư từ. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gửi thư từ cho nhau kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. 

Trước đó, sáng 23-6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhận được một bức thư từ Tổng thống Donald Trump. Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã đọc bức thư và bày tỏ sự hài lòng khi nói rằng bức thư có “nội dung tuyệt vời”. Dù nội dung chi tiết trong các bức thư không được tiết lộ, song động thái này làm dấy lên hy vọng về khả năng nối lại các cuộc đàm phán giữa hai nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán với loạt động thái ngoại giao gần đây của ông. Sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Bình Nhưỡng tháng trước, khoảng thời gian ông cam kết ủng hộ chương trình an ninh và phát triển của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Bình Nhưỡng quyết tâm phi hạt nhân hóa và Bắc Kinh khẳng định giúp họ tìm ra giải pháp cho vấn đề. 

Tiếp đến, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức ở Osaka (Nhật Bản), Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Tổng thống Donald Trump hãy linh hoạt và xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng, những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ ràng Bắc Kinh muốn đóng vai trò tích cực hơn trong vấn đề Triều Tiên, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc quốc gia tỷ dân này thực sự ảnh hưởng thế nào đến quá trình đàm phán. 

Ông Zhang Liangui, chuyên gia về các vấn đề của Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, nhận định rằng: “Trung Quốc nhận ra bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa là rất nguy hiểm vì Triều Tiên sẽ tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân. Hạt nhân không còn chỉ là vấn đề của riêng Triều Tiên và Mỹ. 

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Triều Tiên và Mỹ là hai nhân tố chính trong các cuộc đàm phán, trong khi Trung Quốc là một bên liên quan quan trọng. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không vắng mặt trong các cuộc thảo luận liên quan đến lợi ích an ninh của chính họ”. 

Triều Tiên muốn có một cách tiếp cận “có giai đoạn và đồng bộ” đối với phi hạt nhân hóa. Nhưng để cách tiếp cận đó hiệu quả, cần phải đạt được một điều kiện tiên quyết là Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân. “Chỉ sau khi cam kết này được xác nhận, cách tiếp cận theo giai đoạn và đồng bộ mới có giá trị và ý nghĩa”, chuyên gia Zhang kết luận.

Trong khi đó, ông Zhao Tong, nghiên cứu viên tại Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, thì cho rằng dưới bất kỳ hình thức đàm phán nào giữa Mỹ và Triều Tiên, vai trò của Bắc Kinh vẫn bị hạn chế: “Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc nhận ra đối thoại trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ là yếu tố then chốt. Bắc Kinh sẽ không thể tạo ảnh hưởng đối với chiến lược đàm phán cho dù của Mỹ hay Triều Tiên”. 

Tuy nhiên, theo ông Chu Chí Quần, chuyên gia về chính trị quốc tế của Đại học Bucknell, Pennsylvania, thông qua chuyến thăm Triều Tiên vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên đều vô ích. 

Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington rằng nếu Mỹ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phải có một số nhân nhượng với Trung Quốc. 

Ông Triệu Thông, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua, Bắc Kinh, phỏng đoán rằng Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hoá, đổi lại Washington sẽ “mềm mại” hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.