Khi hai phe bầu cử Mỹ "đưa nhau ra tòa" để giải quyết tranh chấp

Thứ Năm, 05/11/2020, 17:36
Cuộc đối đầu giữa hai ứng viên Al Gore - George W. Bush năm 2000 đến nay vẫn là bê bối tệ hại nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Ngày bầu cử 7/11, kết cục của cuộc đua được quyết định ở Florida, thời bấy giờ có 25 phiếu đại cử tri.
Báo chí thời bấy giờ "giật tít" sớm về chiến thắng của ông Al Gore. Ảnh Getty Images. 

Đảng Dân chủ đã giành được Nhà Trắng vào năm 1992 khi Thống đốc bang Arkansas bấy giờ, Bill Clinton, đánh bại ông George H. W. Bush và lên nắm quyền. Phó Tổng thống của ông Clinton là ông Al Gore, cựu thượng nghị sĩ bang Tennessee. Vào năm 2000, ông Gore đã trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ và như một trò đùa của số phận, đối thủ của ông không ai khác chính là con trai của cựu Tổng thống Bush, ông George W. Bush, Thống đốc bang Texas.

8 giờ tối, cả 5 đài lớn của Mỹ (CNN, NBC, Fox, CBS, ABC và MSNBC), dựa trên thăm dò sau bầu cử, đều tuyên bố ông Al Gore thắng ở Florida và thắng chung cuộc. Nhưng đến 10 giờ tối, khi kết quả thực tế đã có, các đài vội rút lại dự đoán và đưa tin chưa xác định được người thắng cuộc tại Florida.

2h30 sáng hôm sau, khi 85% số phiếu được kiểm ở Florida cho thấy ông Bush dẫn trước đối thủ Gore khoảng hơn 100.000 phiếu, các đài chính thức tuyên bố là ông Bush chiến thắng. Thực tế, ông Al Gore đã gọi điện chấp nhận thua cuộc.

Tuy vậy, do các phiếu được kiểm sau đó đều ở các hạt có đông cử tri Dân chủ nên một lần nữa, ông Al Gore lại thu hẹp khoảng cách với ông Bush. Tới 4h30 sáng, khoảng cách giữa hai người chỉ còn 2.000 phiếu, các đài một lần nữa rút lại dự đoán, ông Al Gore rút lại tuyên bố thua cuộc.

Theo một số chuyên gia, kết quả tại Florida quá sít sao, một số người cho rằng đó có thể được coi là một kết quả hòa. Theo tờ New York Times, trong cuộc điện đàm, ông Bush từng hỏi lại ông Al Gore: “Ý ông là, thưa Phó Tổng thống, ông đang rút lại sự nhượng bộ của mình?” Ông Gore đáp lại: “Ông không cần cục cằn như vậy. Để tôi nói cho ông biết, em trai ông không phải là người toàn quyền quyết định vấn đề này”. Ông Gore đang nhắc đến Jeb Bush, em trai ông Bush đồng thời là Thống đốc Florida lúc bấy giờ.

Theo luật của bang Florida, cách biệt giữa hai ứng viên quá sát và 2.000 phiếu là “đủ sát” để yêu cầu phải đếm lại phiếu. Sau khi kiểm phiếu lại, ông Bush chỉ còn dẫn 300 phiếu (trên tổng số hơn 6 triệu phiếu). Cuộc và tranh cãi bắt đầu từ đây.

Người phụ trách các vấn đề của bang khi đó, bà Katherine Harris, tuyên bố không chấp nhận việc kiểm lại phiếu nếu các hạt không nộp kết quả vào ngày 14/11 - thời hạn theo luật định. Toà Tối cao bang Florida gia hạn tới ngày 26/11 nhưng quyết định này sau đó bị Toà Tối cao liên bang bác bỏ. Tới ngày 26/11, Ủy ban Bầu cử Florida tuyên bố Bush thắng tại bang này với khoảng cách 537 phiếu. Ông Al Gore kiện kết quả này.

Toà Tối cao Florida yêu cầu kiểm lại hơn 70.000 phiếu bị máy bỏ phiếu loại trừ trước đó tại 67 quận của bang, nhưng quyết định này bị Toà Tối cao Liên bang bác bỏ ngay sau đó. Tới ngày 12/12, Toà Tối cao chính thức tuyên bố yêu cầu đếm lại phiếu ở Florida là “phi hiến pháp”. Ông Bush chiến thắng nhờ quyết định gây tranh cãi này.

Về phần ông Bush, ông chính thức hơn ông Al Gore 537 phiếu trên tổng số hơn 6 triệu phiếu được bỏ. Đây là tỷ lệ rất sít sao, chỉ khoảng 0,001%. Dù ông Gore thua số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử, ông giành được hơn ông Bush 543.895 phiếu phổ thông. Điều này dấy lên rất nhiều chỉ trích đối với hệ thống bầu cử Mỹ.

Ông Bush giành chiến thắng trong nhiều tranh cãi. Ảnh AP. 

Ông Bush trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời ông Benjamin Harrison, vào năm 1888, thua số phiếu phổ thông, nhưng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Không có gì ngạc nhiên khi các đảng viên Dân chủ không hài lòng với kết quả này trong khi các đảng viên Cộng hòa vui mừng và nhẹ nhõm.

Bê bối bầu cử năm 2000 cũng góp phần vào sự phân cực ngày càng tăng trong chính trị Mỹ. Đảng Dân chủ coi ông Bush là một tổng thống đã “lẻn” vào nhờ sự ân cần tốt đẹp của Tòa án tối cao, còn đảng Cộng hòa coi ông Gore và đảng viên Dân chủ là những người sẵn sàng “thay đổi luật chơi ngay giữa hiệp” chỉ để níu giữ quyền lực, theo History.com.

20 năm sau, cuộc bầu cử năm 2020 cũng đang chứng khiến khả năng xảy ra kịch bản tương tự khi ứng viên Joe Biden dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump tại các bang chiến trường và đội ngũ của ông Trump đang sẵn sàng đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ. 

Động thái này được dự báo từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, khi ông Trump từng cảnh báo rằng việc bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận. 

Cuộc bầu cử năm 2020 chưa ngã ngũ dù đã kết thúc hơn một ngày. Những lá phiếu cuối cùng vẫn đang được tính. 

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.