Hệ luỵ khôn lường sau vụ nhà khoa học hạt nhân Iran bị sát hại

Thứ Bảy, 28/11/2020, 14:57
Nghi án Israel đứng sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh của Iran có thể làm bùng nổ một cuộc xung đột mới ở Trung Đông hoặc kéo lùi mọi nỗ lực cứu vãn thoả thuận hạt nhân của chính quyền Mỹ tương lai.


Nhà khoa học có vị thế hàng đầu ở Iran

Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân quan trọng của Iran, qua đời hôm 27/11 sau khi xe chở ông bị các tay súng tấn công trong lúc di chuyển gần thủ đô Tehran. Truyền thông địa phương nói rằng khoảng 5-6 tay súng đã kích nổ bom ven đường rồi nã súng điên cuồng vào đoàn xe chở Fakhrizadeh, theo Times of Israel.

Chiếc xe chở ông Fakhrizadeh bị găm nhiều vết đạn sau vụ tấn công. Ảnh: AP

Các nhân chứng xác nhận họ nghe thấy một tiếng nổ lớn, trước khi cuộc đấu súng xảy ra. Ngoài Fakhrizadeh, ít nhất ba vệ sĩ bảo vệ nhà khoa học của Iran đã thiệt mạng tại hiện trường. Một số vệ sĩ khác và người nhà Fakhrizadeh ngồi cùng xe cũng bị thương.

Hình ảnh chụp hiện trường cho thấy kính chắn gió ô tô chở Fakhrizadeh bị găm nhiều vết đạn, kính vỡ và các mảnh kim loại văng khắp nơi. Một kênh truyền hình địa phương cho biết, vụ nổ đã phá hủy nhiều cột điện xung quanh, mảnh văng bay xa gần 300m.

Theo Al Jazeera, dù Iran bác bỏ thông tin Fakhrizadeh tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan vũ khí hạt nhân, nhưng giới tình báo Israel và phương Tây chung nhận định nhà khoa học 59 tuổi này chính là người phụ trách chương trình điều phối vũ khí hạt nhân của Iran.

Ông Mohsen Fakhrizadeh (phải) trong cuộc họp với nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran năm 2019. Ảnh: AP

Fakhrizadeh có chức vụ công khai là Trưởng ban Nghiên cứu và Đổi mới của Bộ Quốc phòng Iran, được nhìn nhận là có vị thế ở Iran không thua kém tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người bị Mỹ hạ sát bằng tên lửa hồi tháng 1 ở Iraq, trong vụ việc đã khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang chóng mặt.

Giới tình báo Israel cũng nhìn nhận ông Fakhrizadeh đứng sau một công trình nghiên cứu chế tạo phương tiện để lắp ráp đầu đạn hạt nhân phía sau vỏ bọc của một chương trình làm giàu uranium phục vụ mục đích dân sự trong quá khứ.

Từ 2003, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran được xác nhận là đã chấm dứt, song New York Times cho biết, các tài liệu tình báo mà Israel đánh cắp được cách đây 3 năm chỉ ra rằng, ông Fakhrizadeh vẫn tiếp tục công việc của mình trong âm thầm gần hai thập kỷ qua.

Fakhrizadeh là một nhân vật kín tiếng và rất ít khi xuất hiện trước truyền thông. Ông luôn được bảo vệ an ninh cẩn mật và chưa bao giờ các nhà điều tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc có thể tiếp cận.

Thủ tướng Israel Netanyahu nhắc đến ông Fakhrizadeh trên truyền hình. Ảnh: ITN

Một trong những tình tiết hiếm hoi công khai về "thân phận" đặc biệt của ông Fakhrizadeh là khi ông trở thành nhà khoa học Iran duy nhất được nêu tên trong "bản đánh giá cuối cùng" năm 2015 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân Iran.

Trước đó 4 năm, IAEA từng mô tả ông trong một báo cáo khác là "giám đốc điều hành" của chương trình AMAD Plan, một dự án khoa học của Iran bị nghi ngờ đã phát triển công nghệ cần thiết để chế tạo bom nguyên tử. Israel nhiều lần cáo buộc chương trình AMAD Pland là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.

Nguy cơ xung đột và dấu chấm hết cho thoả thuận hạt nhân 2015

Trong các phát ngôn sau khi xác nhận ông Fakhrizadeh qua đời hôm 27/11, Bộ Quốc phòng Iran gọi những kẻ hạ sát ông là "bọn khủng bố". Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố có "dấu hiệu nghiêm trọng" cho thấy sự can dự của Israel trong vụ việc.

Tại Liên Hợp Quốc, phái bộ Iran xác nhận nước này đã phát hiện bằng chứng Israel đứng sau nghi án ám sát. Tehran hối thúc cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vụ tấn công.

Lãnh tụ tinh thần Iran Khamenei. Ảnh: IRNA

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng ngày tuyên bố nước này sẽ trả thù cho nhà khoa học nổi tiếng. "Kẻ sát thủ sẽ hối hận về hành động của mình", cố vấn cấp cao của ông Khamenei nhấn mạnh.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri, cảnh báo: "Các nhóm khủng bố, những kẻ cầm đầu âm mưu hèn nhát này nên biết rằng sự trả thù tàn khốc đang chờ đợi chúng... Chúng tôi sẽ chưa dừng lại tới khi truy tìm được và trừng phạt chúng".

Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm. Mỹ và Iran vẫn im lặng về vụ việc. Có nguồn tin khẳng định, vệ sĩ của ông Fakhrizadeh đã bắn gục một số trong các nghi phạm. Đây sẽ là manh mối để Iran tìm ra kẻ chủ mưu.

New York Times đánh giá vụ ám sát ông Fakhrizadeh chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới. Nếu Israel được xác định đúng là bên đứng sau vụ ám sát, Iran có thể sẽ đáp trả bằng vũ lực.

Binh sĩ quân đội Iran. Ảnh: TRT

Iran hiện triển khai lực lượng ở Syria, quốc gia láng giềng của Israel. Hồi tháng 1/2020, khi Mỹ hạ sát tướng Soleimani, Iran không ngần ngại nã tên lửa thẳng vào căn cứ Mỹ ở Iraq, khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ bị thương.

Trên thực tế, Israel nhiều lần chỉ trích lực lượng Iran nã pháo vào nước này từ lãnh thổ Syria và cũng công khai không kích các mục tiêu Iran ở Syria. Tuy nhiên, đó thường là các vụ tấn công nhỏ lẻ với vũ khí thông thường, không gây thiệt hại lớn. Nếu hai bên không giữ được bình tĩnh sau vụ việc lần này, nguy cơ bùng phát xung đột diện rộng là có thể dự báo.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác coi vụ việc là một phần nỗ lực của Israel nhằm gia tăng sức ép với Iran trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở.

Ông Trump lâu nay duy trì chính sách đối đầu Iran. Ông là người rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân 2015 do Iran kí với các cường quốc năm 2018; cũng là người trực tiếp chỉ đạo vụ tấn công hạ sát tướng Soleimani hồi tháng 1/2020. Israel, quốc gia coi Iran là "cái gai trong mắt" ở Trung Đông, muốn Mỹ càng "rắn" với Iran càng tốt.

Được biết, từ sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân 2015, văn kiện này vẫn được duy trì, song có nguy cơ sụp đổ khi Iran ngày càng mất kiên nhẫn với các lệnh trừng phạt của Mỹ và hiện đã rút khỏi một số cam kết đã nêu trong văn kiện.

Thoả thuận hạt nhân Iran 2015 có thể  sụp đổ toàn diện sau vụ ám sát nhằm vào Fakhrizadeh. Ảnh: ITN

Michael P. Mulroy, cựu quan chức phụ trách chính sách Trung Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định cái chết của ông Fakhrizadeh có thể là một bước lùi cho chương trình hạt nhân của Iran. 

Tuy nhiên, nó cũng có thể làm Iran thay đổi lập trường sẵn sàng đối thoại với Mỹ khi ứng viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden dự kiến sẽ nắm quyền từ đầu năm sau, trong bối cảnh những người theo phe cứng rắn ở Iran thắng trong lập luận rằng họ không được khuất phục trước áp lực từ bên ngoài.

Trong diễn biến liên quan, Reuters ngày 27/11 đưa tin, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên kiềm chế sau vụ việc nhà khoa học Iran bị ám sát. "Chúng tôi đã nắm được các thông tin cho biết nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị ám sát gần Tehran. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực", người phát ngôn Farhan Haq của ông Guterres nói.


Thiện Nhân
.
.
.