Trung tâm Báo chí quốc tế ngày đầu hoạt động:

“Ghi điểm” tuyệt đối trong lòng phóng viên quốc tế

Thứ Tư, 27/02/2019, 08:30
Sáng 26-2, Trung tâm Báo chí quốc tế chính thức đi vào hoạt động, phục vụ các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Dù được hoàn thành trong thời gian gấp rút, nhưng công tác chuẩn bị và các tiện ích của Trung tâm Báo chí quốc tế được các phóng viên đánh giá rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tin trong cuộc chạy đua tin tức.


“Phải lòng” bởi những điều rất nhỏ

Vật bất ly thân đối với các phóng viên quốc tế tham gia đưa tin tại Hà Nội dịp này chính là chiếc thẻ tác nghiệp, được ví như “lệnh bài” cho phép nhóm phóng viên được ra vào Trung tâm Báo chí quốc tế. Đội ngũ Cảnh sát cơ động sẽ chỉ cho phép những ai có tấm thẻ quan trọng này bên mình được đi qua cánh cổng an ninh.

Đối với phóng viên Yun Daemin của đài KBS, người thường xuyên “trực tin” tại Trung tâm Báo chí quốc tế, điều khiến anh vô cùng hài lòng là sự bảo đảm an ninh nghiêm ngặt và khâu phục vụ chu đáo của nước chủ nhà. Mặc dù đã từng đến Việt Nam trước đây, nhưng Daemin không khỏi lo lắng khi tham gia tác nghiệp trong một sự kiện lớn.

“Nhưng nhờ có sự bảo vệ và giúp đỡ tận tình từ phía nước chủ nhà, tôi cảm thấy rất yên tâm khi tác nghiệp và không gặp bất cứ một khó khăn gì”, anh nói.

Với anh Hiroshi Kanzaki, phóng viên của đài Kansai, dù đã tham gia tác nghiệp ở nhiều sự kiện quốc tế lớn, anh vẫn cảm thấy ấn tượng đặc biệt với công tác tổ chức của Việt Nam, đặc biệt đối với thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

“Điều tôi ấn tượng nhất tại sự kiện này chính là Trung tâm Báo chí quốc tế. Mọi thứ đều rất gọn gàng, có đủ chỗ cho tất cả mọi người và đặc biệt là rất nhiều thức ăn”. Nói đến đây, cả anh Kanzaki và hai đồng nghiệp của mình đều cười lớn và đồng ý rằng trái cây và thức ăn ở Việt Nam rất ngon.

Không gian bên trong Trung tâm Báo chí quốc tế.

Cô Louies Ulrika Bergsten, phóng viên đài Truyền hình Thụy Điển cũng chia sẻ, cô cảm thấy vô cùng thoải mái khi tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Louies bật mí cô cũng đã từng tham gia đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất và cho biết, Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên để tác nghiệp không kém gì Singapore. Cô cũng dành lời khen cho các món ăn truyền thống của Việt Nam được phục vụ tại Trung tâm Báo chí quốc tế và liên tục nói “rất ngon!”.

Quả thực, để hỗ trợ các phóng viên, Trung tâm Báo chí quốc tế đã thiết kế một khu nhà ăn riêng với nhiều món ăn truyền thống như phở, bún chả, bên cạnh nhiều món ăn được chế biến theo phong cách phương Tây. Nhiều phóng viên đã không ngần ngại ăn thử món phở - quốc hồn quốc túy của Việt Nam và món bún chả - vốn đã trở nên nổi tiếng sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

PV nước ngoài tác nghiệp bên trong Trung tâm Báo chí.

Điểm tựa sau mỗi cuộc “săn tin”

3h chiều, phía bên ngoài cổng Trung tâm Báo chí quốc tế, một nhóm phóng viên đến từ nhiều hãng tin đang cùng trò chuyện trong lúc chờ đợi chuyến xe lên sân bay Nội Bài để ghi hình và đưa tin chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump hạ cánh.

David McCagg, phóng viên của hãng tin NHK thân thiện bắt chuyện cùng chúng tôi và chia sẻ rằng mình mới chỉ đến Hà Nội vào sáng sớm 26-2 với phần lớn thời gian dành cho việc “rượt đuổi”. “Thực ra tôi đã đến Việt Nam một lần rồi để đưa tin về chuyến thăm của cựu Tổng thống Obama. Tôi rất yêu Việt Nam và những gì đang trải nghiệm càng khiến tôi yêu đất nước này hơn đấy”, McCagg cười rạng rỡ nói. “Tôi yêu những món ăn, tôi yêu những góc nhỏ Hà Nội và tôi yêu cả cách các bạn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho chúng tôi nữa”, anh chia sẻ.

Vội vã chào tạm biệt tôi để lên sân bay tác nghiệp, McCagg không quên nhắn nhủ: “Có lẽ tôi sẽ trở về Hà Nội vào nửa đêm. Và điều tuyệt nhất là Trung tâm Báo chí mở cửa 24/24h!”.  

Còn đối với Biel Calderon, phóng viên đến từ Anh, sự đầu tư về hệ thống thiết bị mới là điều khiến anh ấn tượng: “Đường truyền kết nối Internet quốc tế rất tốt, tốc độ cao. Có rất nhiều trạm phát 4G, 3G được bố trí thuận lợi. Tôi không mong đợi gì hơn nữa. Tuyệt vời!”. Tranh thủ chia sẻ với chúng tôi những cảm nhận trong ngày đầu tiên tác nghiệp tại IMC ngay sau khi vừa hoàn thành bản tin nhanh, nữ phóng viên Wang Bingru tới từ đài truyền hình Phượng Hoàng Hongkong (Hongkong Phoenix TV) cho biết cô cực kì ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp và sự phục vụ tận tình từ phía nhân viên Việt Nam.

Phóng viên quốc tế thưởng thức món ăn ngay trong Trung tâm Báo chí.

“Mặc dù có nhiều phóng viên sử dụng cùng một lúc nhưng tốc độ mạng tại đây rất nhanh, chúng tôi hầu như không gặp khó khăn gì. Đặc biệt, khi dùng bữa trưa, tôi ấn tượng với món bánh khúc của Việt Nam”, phóng viên Wang cho biết. Wang cũng hào hứng nói sẽ dành thời gian nghỉ ngơi ít ngày tại “Thành phố vì hòa bình” sau khi kết thúc sự kiện.

Trong khi đó, chị Jiyoung Seo, phóng viên thường trú của đài KBS tại Washington đánh giá rất cao môi trường tác nghiệp tại Hà Nội. “Một trong những điều tôi thích nhất chính là Trung tâm Báo chí quốc tế có nhiều thiết bị mới. Địa điểm của trung tâm cũng rất thuận lợi, chúng tôi có thời gian rảnh thì có thể đi quanh khu vực này và đã khám phá một số món ăn đường phố rất ngon. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để đặt Trung tâm Báo chí quốc tế”.

Như một mái nhà của các phóng viên, Trung tâm Báo chí quốc tế luôn được đặt trong chế độ “mở cửa” và sẵn sàng phục vụ các yêu cầu của phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Ngoài khu làm việc được trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng và dịch vụ viễn thông, trung tâm còn có các phòng riêng để các hãng thông tấn sử dụng.

Chắc hẳn rằng, giữa những cuộc chạy đua tin tức đầy khắc nghiệt, Trung tâm Báo chí quốc tế với sự ân cần, chu đáo và tinh tế của nước chủ nhà Việt Nam, sẽ là cánh tay phải đắc lực giúp cho các phóng viên quốc tế hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, chắp cánh những dòng tin tức nóng hổi về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đến độc giả trên toàn thế giới.

An Nhiên-Minh Tuyến-Cao Trung (ghi)
.
.
.