Cuộc đối đầu Trump - Iran tạm lắng nhưng vẫn chưa kết thúc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau cuộc tấn công của Iran. Ảnh Getty Images. |
Máy bay không người lái và tên lửa có thể đã được tạm hoãn triển khai, tuy nhiên, thật thơ ngây nếu nghĩ rằng chuỗi căng thẳng này đã kết thúc. Những sự kiện ở Trung Đông diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trời. Và lịch sử của Iran cho thấy rằng một vụ bắn tên lửa nhỏ nhoi không phải là một lời đáp từ đủ sức nặng với việc chỉ huy cấp cao của quân đội nước này bị ám sát. Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu lực lượng Quds của Iran, bị tiêu diệt, điều có khả năng làm gia tăng bạo lực từ phía các nhóm phiến quân ủy nhiệm.
Ông Trump thu được gì?
Nhiều người có thể sẽ nghĩ rằng trong bài phát biểu chính thức sau vụ tấn công của Iran, ông Trump sẽ đưa ra tuyên bố cứng rắn như ông vẫn làm, rằng Mỹ đang sa lầy tại chiến trường Trung Đông. Nhưng ông lại vui vẻ “lùi bước”, tránh một cuộc tấn công trả đũa ngay tức thì.
“Iran có vẻ như đã dừng mọi hoạt động, đây là một điều tốt đối với tất cả các bên liên quan và với thế giới”, ông Trump cho biết tại Nhà Trắng.
Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump, đang dốc sức lực cho cuộc bầu cử sắp tới, có vẻ như sẽ có thêm tài liệu mới để khai thác. Họ sẽ có thể sẽ nói nhiều về cách mà ông Trump, dám thực hiện một bước đi mà những người tiền nhiệm coi là quá đẫm máu và mạo hiểm, xóa sổ tướng Soleimani, người mà chính ông Trump từng gọi là “quái vật”, khỏi bề mặt trái đất.
Ông Trump có thể đã thiết lập được một nguyên tắc quan trọng trong căng thẳng Mỹ-Iran sau này. Vụ ám sát Soleimani, người đứng đầu Quds và xây dựng mạng lưới lực lượng ủy nhiệm và đồng minh trung thành bên ngoài biên giới Iran như Hezbollah hay Hamas, là dấu hiệu cho thấy Washington coi hoạt động của các chân rết của Iran là cơ sở cho các hành động quân sự, một dấu mốc mới trong cuộc đối đầu.
David Urban, cố vấn chính trị cao cấp của ông Trump, cho biết: “Đã xảy ra một vụ tấn công trực tiếp vào Đại sứ quán Mỹ, là lãnh thổ của Mỹ trên đất bạn, do lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến hành. Tổng thống Trump, không giống những người tiền nhiệm, đã quyết định tuyên bố rằng ‘Mỹ sẽ không cho phép Iran sử dụng chân rết để tấn công Mỹ nữa”.
Tiêu chuẩn mới này có thể sẽ rất đáng chú ý bởi trong quá khứ, Iran từng sử dụng các nhóm liên kết của mình tấn công các mục tiêu Mỹ, như trong cuộc tấn công nhằm vào doanh trại lính thủy đánh bộ Mỹ tại Lebanon năm 1983.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một ngòi nổ cho cuộc xung đột trong tương lai.
Iran bỏ túi được gì?
Chính Iran cũng đã đưa ra được thông điệp của mình đến ông Trump sau khi bắn những tên lửa nhắm đến căn cứ tại Iraq, nơi có quân Mỹ đồn trú. Động thái này cũng đã vượt khỏi ranh giới của chính Iran trong cuộc xung đột với Trump.
Động thái này cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực thấy rằng các tên lửa của Iran có thể tấn công tất cả các mục tiêu trong tầm bắn, từ sân bay, căn cứ quân sự hay thậm chí là thành phố dân sự, và lần tới, những tên lửa này sẽ không được lập trình để bắn hụt nữa.
Thêm nữa, Tehran được cho là đã khéo léo dàn dựng lễ tang của tướng Soleimani để tăng cường đoàn kết trong chính đất nước mình, nhiều tuần sau khi đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình chống chính phủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn do trừng phạt kinh tế từ Mỹ.
Trong khi đó, lời đe dọa tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran từ phía Trump đã giúp củng cố quan niệm rằng Iran phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ Mỹ.
Tuy nhiên, những ngày căng thẳng gần đây cho thấy Iran và Mỹ sẽ không lui về vị trí của mình và bắt đầu ngồi điểm những gì vừa giành được.
Quả thực là vậy. Bài phát biểu của ông Trump tại Nhà Trắng đã báo hiệu rằng hành động quân sự có thể không được tiến hành ngay lập tức nhưng cũng bao gồm một lời hứa về các lệnh trừng phạt bổ sung. Trong khi ông Trump cho biết mình sẵn sàng “tiến đến hòa bình với những nước tìm kiếm hòa bình”, ông không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về những điều kiện dễ thở hơn cho các cuộc đối thoại với Iran. Điều đó có nghĩa là Iran không có cách nào nới lỏng sợi xích do “chiến dịch gây áp lực tối đa” của Trump áp đặt ngoài các cuộc tấn công ủy nhiệm vào các tàu chở dầu và mỏ dầu, và trong một kịch bản nghiêm trọng hơn, có thể là các mục tiêu Mỹ trong khu vực.
Căng thẳng có thể tiếp tục bùng phát bất cứ lúc nào
Mặc dù ông Trump từng tuyên bố rằng Mỹ đã an toàn hơn rất nhiều sau khi Soleimani bị tiêu diệt, Mỹ vẫn có vẻ như đã bước ra khỏi cuộc chiến trong một vị trí địa chính trị khá tồi. Trong khi đó, Iran đã dần thoát khỏi những ràng buộc cuối cùng của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dưới thời ông Obama, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đua mới, có thể là cuộc đua hạt nhân, trong thời gian ngắn sắp tới.
Sau vụ không kích Soleimani trên lãnh thổ Iraq, một sự xâm phạm đến chủ quyền nước này, hiện Mỹ dường như đang phải đối mặt với nguy cơ bị ép phải rời khỏi đất Iraq. Ông Trump đã làm tình hình xấu thêm khi đe dọa áp trừng phạt lên Iraq, quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Nếu thực sự quân Mỹ bị đá khỏi Iraq, đây sẽ là một điều cản trở với cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan và cũng là một chiến thắng trao tay người láng giềng lớn mạnh của Iraq – Iran.
Tại Washington, bước lùi trong cuộc đối đầu với Iran đã giảm một phần sức nóng của cuộc đụng độ của ông Trump với đảng Dân chủ tại Quốc hội, cuộc đối đầu mà ở một thời điểm nhất định cũng dữ dội như một cuộc chiến.
Mặc dù có nhiều hy vọng rằng việc tránh được bờ vực chiến tranh sẽ mang lại cho mỗi bên một động lực để khởi động một quá trình ngoại giao mới, khả năng cao hai nước sẽ trở lại trạng thái “ghê tởm lẫn nhau” đã tồn tại trong 40 năm qua.
Cũng cần nhắc đến Iraq, đất nước vẫn đang ở trên bờ vực biến thành chiến trường ủy nhiệm giữa Mỹ-Iran. Khu vực “Vùng Xanh” tại Baghdad, nơi Đại sứ quán Mỹ tọa lạc và có an ninh rất nhiêm ngặt, vừa rung chuyển với những quả tên lửa trong ngày 9-1.