Mỹ có vũ khí tối tân, Iran đối chọi bằng chiến lược đáng gờm

Thứ Năm, 09/01/2020, 16:50

Theo nhiều chuyên gia, sẽ là một sự so sánh khập khiễng nếu đọ kho vũ khí của Iran với Mỹ, tuy nhiên, bù lại, Tehran lại có chiến thuật và nhiều vị trí chiến lược.

Lực lượng tên lửa

Khi tấn công các căn cứ có quân Mỹ đồn trú tại Iraq, Tehran đã phát triển thành công một số tên lửa đạn đạo đáng tin cậy.

“Các vụ tấn công chứng tỏ tên lửa đạn đạo của Iran có hệ thống dẫn đường hiệu quả và chính xác”, Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết, đồng thời, lưu ý rằng hơn chục tên lửa bắn vào các mục tiêu của Mỹ và không gây thương vong, một điều mà các nhà phân tích cho là có chủ đích, không phải ngẫu nhiên.

Vụ tấn công cũng gửi đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, bởi hàng chục cơ sở quân sự của Mỹ tại Trung Đông nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Viện Nghiên cứu Chiến lược IISS từng có báo cáo cho thấy kho tên lửa của Iran là đáng gờm nhất trong khu vực.

James Marks, chuyên gia quân sự của CNN và là tướng nghỉ hưu của Mỹ, cho biết, nếu Iran muốn, họ có thể “bắn phá bất kỳ mục tiêu nào trong khu vực”. Khoảng 60.000 binh sĩ Mỹ tại khu vực này có thể bị đe dọa.

Vụ tấn công ngày 8-1 cho thấy Iran đã phát triển được những tên lửa rất tiến bộ. Ảnh minh họa: Getty Images.

Một báo cáo của IISS hồi tháng 11-2019 cho biết, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm loại bỏ tên lửa của Iran đều không dễ dàng đạt được. “Iran chủ yếu dựa vào các bệ phóng di động và đường hầm nhầm tăng độ sống sót của tên lửa, và các bệ phóng tên lửa của nước này nằm rải rác khắp đất nước. Những yếu tố này khiến cho các đối thủ khó lòng ngăn chặn”, IISS cho biết.

Hải quân

Trong khi Hải quân Mỹ có những tàu lớn và được trang bị tân tiến nhất, Iran lại có một chiến thuật khác, đó là tấn công ồ ạt (tấn công đồng loạt các đơn vị trên một lãnh thổ rộng, nhằm làm rối loạn khả năng phản ứng của quân đối phương, từ đó khiến đối phương xao lãng vào mục tiêu quân sự chủ yếu mà quân tiến công đang hướng đến).

Trong một cuộc tập trận hồi năm 2015, Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã sử dụng 100 chiếc thuyền nhỏ để tấn công một bản sao tàu sân bay USS Nimitz tại Vịnh Ba Tư.

Báo cáo của IISS cho biết, Iran có thể có khoảng 3.000 đến 5.000 chiếc thuyền nhỏ như vậy, và nơi hoàn hảo để sử dụng những thuyền này là Eo biển Hormuz, cửa ngõ vào Vịnh Ba Tư.

“Bất ngờ, mơ hồ và tốc độ là yếu tố cần thiết cho hiệu quả của loại hình tấn công này, và không gian hạn chế của eo biển Hormuz, chỉ khoảng 32 km ở điểm hẹp nhất, làm tăng xác suất của một cuộc tấn công bầy đàn thành công”, báo cáo của IISS cho biết.

Trong cuộc tập trận năm 2015, Iran cũng luyện tập kỹ năng đặt mìn trên biển. Một quả mìn của Iran đã gần như đánh chìm tàu khu trục USS Samuel B. Roberts tại Vịnh Ba Tư năm 1986.

Chuyên gia Schuster cho biết, mìn sử dụng công nghệ từ thời Thế chiến I, nhưng trong các cuộc tập trận năm 2015, chỉ huy phía Iran tiết lộ họ đã phát triển loại mìn này rất đáng kể.

“Chúng tôi có những quả mìn trên biển tiên tiến nhất đến nỗi Mỹ không thể tưởng tượng được”, Chuẩn đô đốc Ali Fadavi, lúc đó là chỉ huy của lực lượng Hải quân Iran, cho biết.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết, Iran có thể sở hữu 5.000 quả mìn biển, cả phiên bản mới và cũ.

IISS cho biết Iran đã cải tiến đáng kể những loại mìn này. “Iran có thể lắp đặt các quả mìn thật cùng với hàng ngàn quả giả, khiến cho những người quét mìn rất khó để vô hiệu hóa mối đe dọa và giảm tốc độ mà lực lượng hải quân của địch có thể huy động”, IISS cho biết.

Phòng không

Nếu Mỹ muốn tiến hành không kích Iran, điều đầu tiên cần làm là khống chế hệ thống phòng không của nước này, Schuster cho biết. Nhưng Iran quá hiểu điều này và đã phát triển hệ thống phòng không di động tiên tiến có trang bị radar và tên lửa, có khả năng nhắm đến những chiến cơ bay cao nhất của Mỹ.

Hệ thống này được gọi với cái tên Sevom-e-Khordad, đã tạo điều kiện giúp Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6.

Từ năm 2017, Iran sở hữu các tên lửa đất đối không tầm xa SA-20c của Nga, theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ. Đây được cho là thiết bị đáng gờm nhất của của hệ thống phòng không tích hợp của Iran, theo đánh giá của quân sự của Tehran năm 2019.

Mạng lưới chân rết và lực lượng ủy nhiệm

Cuộc không kích ngày 3-1 của Mỹ đã tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, lực lượng của các hoạt động bên ngoài biên giới. Tuy nhiên, Iran vẫn còn đó mạng lưới đồng minh và lực lượng ủy nhiệm mà tướng Soleimani đã xây dựng và duy trì.

Những đồng minh này bao gồm Hezbollah ở Lebanon và một số nơi khác, lực lượng Houthi ở Yemen, Shia ở Iraq, Taliban ở Afghanistan và phiến quân ở Bahrain…

Trên đây đều là những lực lượng quân sự được Iran trang bị từ đầu đến chân, từ súng trường, tên lửa và cả máy bay không người lái, theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

“Iran đã đem về sự cân bằng hiệu quả về lực lượng tại Trung Đông để có lợi cho mình với việc phát triển khả năng chủ quyền tiến hành các hoạt động chiến tranh thông qua bên thứ ba”, John Chipman, tổng giám đốc IISS cho biết hồi tháng 11-2019.

Iran đã có được sự tôn trọng và trung thành của các chân rết của mình thông qua việc sống sót sau 40 năm với tư cách là “một kẻ ngoài ngoại đạo” của trật tự thế giới, và những kẻ thù của Iran không có cách hiệu quả nào để ngăn chặn các lực lượng ủy nhiệm này, Chipman nói.


Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.