Ai hưởng lợi từ việc Mỹ rút quân khỏi Syria?

Thứ Sáu, 21/12/2018, 07:54
Các nhà quan sát nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Syria cho thấy vai trò ngày càng mờ nhạt của Washington ở Trung Đông. Bởi vậy, đây là tin vui cho cả Nga, Syria và Iran.

Nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011 với sự xuất hiện của hàng chục phe phái đối lập, khiến chế độ của Tổng thống Bashar al- Assad nhiều phen chao đảo. Đến tháng 6-2014, khối u Hồi giáo cực đoan âm ỉ ở Trung Đông bắt đầu bùng phát dữ dội và lan nhanh ở cả Iraq và Syria, với sự xuất hiện bất ngờ và đẫm máu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Binh sĩ Mỹ ở Syria. Ảnh: ITN

Tháng 9-2014, nhân danh liên minh quốc tế chống IS, Mỹ khởi động đợt không kích có hệ thống nhằm vào các mục tiêu ở Syria và Iraq. Các chuyên gia cho rằng, Mỹ đã đặt ra mục tiêu cho hoạt động này là để một mặt tiêu diệt IS, mặt khác trợ giúp phe phiến quân chống chính phủ ở Syria gián tiếp đánh vào lực lượng của Tổng thống Assad.

Sau 4 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-12 thông báo sẽ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria với lí do mục tiêu duy nhất là đánh bại IS, đã hoàn thành. Nhà Trắng cùng ngày xác nhận toàn bộ giới chức ngoại giao Mỹ đã rời Syria và quân đội Mỹ bắt đầu rút về nước sau khi thực hiện sứ mệnh chống IS.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Sputnik

Theo Washington Post, quyết định rút khỏi Syria của Mỹ được coi là tin tốt cho Chính phủ Syria. Lâu nay Damascus vẫn luôn phản đối sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Thêm vào đó, việc Mỹ rút quân sẽ nhanh chóng khiến lực lượng phiến quân đối lập ở Syria suy yếu và đây là cơ hội để quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước với sự hỗ trợ của các đồng minh.

Với Nga, một trong những đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Syria Assad, việc binh sĩ Mỹ không còn hiện diện ở Syria, Moscow có thể dễ dàng mở rộng vai trò ở Syria nói riêng và toàn bộ Trung Đông nói chung.

Dù rằng các nỗ lực quân sự của Moscow ở Syria đã lật ngược hoàn toàn thế trận theo hướng có lợi cho Tổng thống Syria Assad, song việc Mỹ rút quân sẽ tạo cơ hội cho Nga hoạt động thoải mái mà không phải kiêng dè bất cứ đối tượng nào trong khu vực.

Trong khi đó, đối với Iran, việc Mỹ rút quân càng là một tin tốt. Cách đây vài tháng, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Syria ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ITN

Nếu quân đội Mỹ rút đi, Iran sẽ trở thành những lực lượng nước ngoài mạnh nhất ở Syria và hơn nữa với việc là đồng minh của chính quyền Syria, họ có thể từ đây mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Trước kia, Iran đã dựa vào Syria làm con đường trung chuyển binh sĩ và vũ khí cho các đồng minh ở Trung Đông.

Trong khi đó, theo truyền thông Trung Đông, khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng có thể "đục nước, béo cò" nhờ động thái của Mỹ. Washington dù không được Damascus cho phép hiện diện ở Syria, nhưng lại có các hoạt động chống IS hiệu quả bên cạnh nhóm phiến quân thân cận Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Trong dòng tweet về kế hoạch rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump nói rằng, IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tuyên bố của ông Trump chưa thực sự chính xác khi vẫn còn hơn 10.000 phần tử IS đang ẩn náu ở nhiều khu vực tại Syria. Trong một tuyên bố hôm 20-12, phát ngôn viên SDF cũng nói rằng IS có thể sẽ trỗi dậy tại các khu vực mà nhóm này đang kiểm soát.

Thiện Minh
.
.
.