Phiên toà xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hoà Bình:

Vừa xin giảm hình phạt, vừa xin khoan dung tha thứ

Thứ Sáu, 15/05/2020, 18:26
Chiều 15/5, phiên toà hình sự xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ gian lện điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo.


Theo đại diện Viện kiểm sát, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố các bị cáo về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Quá trình tranh luận, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định và chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như: phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra để sớm làm sáng tỏ vấn đề, gia đình có công với cách mạnh, có nhiều thành tích trong công tác... trước khi đề nghị mức án. Do đó không có cơ sở để xem xét và giảm nhẹ thêm hình phạt.

Trong phần tranh luận, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, cựu Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lạc Thủy, Uỷ viên Tổ chấm bài thi trắc nghiệm) đưa ra 5 tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn dùng câu tục ngữ “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” để đề nghị HĐXX vừa giảm nhẹ hình phạt, vừa khoan dung tha thứ. 

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh (đeo kính).

Về điều này, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, bị cáo Tuấn bị truy tố về hai tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” và “nhận hối lộ” . Trước khi khi đề nghị hình HĐXX tuyên mức án từ 10-12 năm tù, Viện kiểm sát đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, không che giấu người vi phạm, có nhiều thành tích quá trình công tác... nên không thể áp dụng giảm nhẹ thêm. 

Đại diện Viện kiểm sát đồng quan điểm với luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn, từ ngày đầu xét xử đến nay, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn ăn năn hối cải nhất trong số 15 bị cáo. Tuy nhiên đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, Đỗ Mạnh Tuấn là bị cáo có vai trò thứ 2 (Bị cáo chủ mưu là Nguyễn Quang Vinh, SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình Phó trưởng Ban chấm thi, phụ trách tổ chấm bài thi trắc nghiệm) và phạm hai tội nên vẫn phải chịu mức án cao hơn các bị cáo khác mới tương xứng với hành vi phạm tội, cũng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bị cáo Khương Ngọc Chất.

Đối với bị cáo Khương Ngọc Chất, quá trình thẩm vấn và tranh luận đều không nhận tội với lý do, bị cáo chỉ nhờ người có trách nhiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 “xem điểm hộ 10 thí sinh”. Về điều này, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, đây chỉ là lời khai của bị cáo.  

Còn căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo khác tại phiên toà, có đủ căn cứ xác định, hành vi của bị cáo Chất đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không oan. Và hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX áp dụng đối với bị cáo Chất từ 7- 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp với quy định của pháp luật.

Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (hàng đầu).

Cáo trạng của Viện KDND tối cao xác định, 15 bị cáo trong vụ án này đã cấu kết, nâng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại tỉnh Hoà Bình cho 65 thí sinh, trong đó 64 thí sinh thi năm 2018 và 1 thí sinh thi năm 2017. 

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Vinh giữ có vai trò chính, chủ mưu chỉ đạo các bị cáo khác can thiệp bài thi theo hướng nâng điểm. Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nhận 300 triệu đồng tiền hối lộ sau khi nâng điểm cho 2 thí sinh. Các bị cáo khác tham gia với vai trò đồng phạm.

Ngày mai thứ 7 (16/5), phiên toà tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.