Vụ gian lận điểm thi ở Hoà Bình: Hậu quả từ lời hứa có chống lưng và sự "mềm lòng"

Thứ Tư, 13/05/2020, 14:54
Các bị cáo là Tổ trưởng Tổ chấm thi và một số giám khảo là giáo viên chấm thi đều khẳng định, họ không muốn nâng điểm cho thí sinh, nhưng bị sức ép từ một số thành viên trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình,


Sáng 13/5, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều hành phần thẩm vấn phiên toà sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GĐ&ĐT tỉnh Hoà Bình) cho biết, bản thân rất ăn năn, hối hận vì nâng điểm bài thi trắc nghiệm. 

Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn.

Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai, được bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, cựu Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lạc Thủy, Uỷ viên Tổ chấm bài thi trắc nghiệm) nhờ nâng điểm bài thi cho thí sinh. Và do nể nang nên bị cáo đã nhận lời. 

“Bị cáo đã nói không giúp được, nhưng anh Đỗ Mạnh Tuấn vẫn nhờ và đưa bị cáo xem danh sách thành phần liên quan rồi bảo, có chống lưng rồi, lo gì? Bị cáo nể nang tình cảm nên đã giúp đỡ anh Đỗ Mạnh Tuấn và phạm tội”, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn trình bày. 

Sau khi sự việc bại lộ, bị cáo bị triệu tập đến cơ quan điều tra khai báo, anh Đỗ Mạnh Tuấn nhắc bị cáo khai sai về số thí sinh nhờ và khai cùng cầm chìa khóa vào phòng thi.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên.

Trả lời HĐXX, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974, cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí Sở GĐ&ĐT tỉnh Hoà Bình, Phó trưởng Ban chấm thi) khẳng định, lý do bị cáo yêu cầu các giám khảo phải chấm theo hướng nâng điểm cho thí sinh vì nể nang. Bị cáo Liên bị truy tố vì đã chỉ đạo 3 nữ giáo viên là Tổ trưởng Tổ chấm thi và các giáo viên là giám khảo chấm thi tự luận môn Ngữ Văn nâng điểm cho 20 thí sinh.

Theo lời khai của bị cáo Liên, bị cáo đã đề nghị các Tổ trưởng chấm thi và giám khảo chấm theo hướng có lợi cho thí sinh, nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu. “Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Bị cáo không có chỉ đạo chấm riêng theo hướng nâng điểm đối với một trường hợp cụ thể nào. Cáo trạng nêu bị cáo có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của bị cáo là do nể nang”, bị cáo Liên trình bày. 

Kết thúc phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Liên cho rằng “Kỳ thi tốt nghiệp năm đó có có nhiều trường hợp được nâng điểm. Bị cáo không làm theo sẽ khó vì, ai cũng gù nếu mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

Tham gia phần thẩm vấn, nhiều luật sư đặt câu hỏi với bị cáo Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình Phó trưởng Ban chấm thi, phụ trách tổ chấm bài thi trắc nghiệm) và bị cáo Khương Ngọc Chất (SN 1975, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hoà Bình, Ủy viên Ban chỉ đạo kỳ thi) về việc có thoả thuận nào trong việc nâng điểm cho thí sinh? 

Cả hai bị cáo Vinh và Chất đều phủ cho rằng, cả hai không có sự bàn bạc về việc nâng điểm cho thí sinh. Cả hai bị cáo Vinh và Chất chỉ thừa nhận, do được một số phụ huynh nhờ… xem điểm giúp cho con em họ nên họ mới nhờ lại một số người là bị cáo trong vụ án này xem giúp điểm thi.

Trả lời câu hỏi của một số luật sư bào chữa, các bị cáo nữ là Tổ trưởng Tổ chấm thi và một số giám khảo là giáo viên chấm thi đều khẳng định, họ không muốn nâng điểm cho thí sinh, nhưng bị sức ép từ một số thành viên trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình, trong đó có bị cáo Diệp Thị Hồng Liên nên họ buộc phải thực hiện vì là cấp dưới.

Nguyễn Hưng
.
.
.