Phạm Công Danh kháng cáo những gì?
- Phúc thẩm "đại án" Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng
- Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh và thương vụ "móc ngoặc" 500 tỉ đồng
- Hậu vụ xử đại án 9.000 tỷ: Phạm Công Danh kháng cáo
- Phạm Công Danh bị tuyên mức án 30 năm tù
Là người đầu tiên được HĐXX mời lên thẩm vấn, bị cáo Phạm Công Danh cho biết tình trạng sức khỏe hiện tại rất yếu, huyết áp tăng nhưng ông sẽ cố gắng để phiên tòa không bị gián đoạn. Trả lời toà, bị cáo Danh cho biết ông kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong khi đó, bị cáo Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cùng nhiều bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo đơn kháng cáo, về tội danh “Cố ý làm trái...", bị cáo Danh đề nghị HĐXX xem xét thêm về bối cảnh, nguyên nhân và loại trừ hành vi bị coi là tội phạm liên quan mối quan hệ vay mượn mang tính chất giao dịch dân sự với ông Trần Quý Thanh (nhóm Trần Ngọc Bích) và các yếu tố tác động đến hành vi này.
Cụ thể, trong đơn bị cáo Danh cho rằng, vào thời điểm tiếp quản và triển khai Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, bị cáo không lường hết được thực trạng âm vốn điều lệ và lỗ luỹ kế quá lớn của ngân hàng này, đồng thời phải đối diện với áp lực chi chăm sóc khách hàng trung bình từ 2-4%/tháng và nhu cầu tăng vốn điều lệ nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản của ngân hàng.
Bản thân bị cáo, gia đình và Tập đoàn Thiên Thanh đã phải chi rất nhiều tiền để tiếp quản Ngân hàng Đại Tín nhưng nhóm Phú Mỹ không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản, thực hiện nhiều hành vi che giấu những sai phạm trước đây (đã bị Toà sơ thẩm quyết định khởi tố vụ án liên quan nhóm bà Hứa Thị Phấn tại toà).
Bị cáo Danh rời tòa sau khi kết thúc buổi làm việc sáng. |
Đây là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến bị cáo và một số cán bộ VNCB phải vận dụng nhiều giải pháp “tình thế”, phải tạm ứng trước các khoản tiền từ việc nâng cấp hệ thống Corebankinh, cho thuê mặt bằng, ủy thác Quỹ Lộc Việt… "Bản chất các hành vi nói trên là có thực, nhưng bị coi là không phù hợp với quy định của pháp luật, đều nhằm mục đích phục vụ cho yêu cầu tái cơ cấu VNCB...", trong đơn bị cáo Danh lý giải.
Bên cạnh việc phải đưa tài sản của gia đình, Tập đoàn Thiên Thanh vào thế chấp tại nhiều ngân hàng để có nguồn tiền xử lý các yêu cầu cấp thiết nêu trên, bị cáo Danh cho rằng còn phải vay lãi cao của nhóm Trần Ngọc Bích nhằm phục vụ mục đích tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Danh khẳng định hoàn toàn không có bất cứ chỉ đạo nào để nhân viên dưới quyền chuyển tiền từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Danh hoặc tài khoản của Mai Hữu Khương và Phan Minh Tùng mà không được sự đồng ý của chủ tài khoản là Trần Ngọc Bích. Bị cáo đồng ý với nhận định và kết luận của bản án sơ thẩm về bản chất liên quan khoản tiền 5.190 tỷ đồng là quan hệ vay mượn mang tính chất giao dịch dân sự nhưng từ đó bản án sơ thẩm lại quy buộc hành vi này phạm tội “cố ý làm trái…” là không có căn cứ pháp lý.
Theo bị cáo Danh, VNCB không bị thiệt hại liên quan khoản tiền này vì đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích.
Về tội "vi phạm quy định cho vay... ", bị cáo Danh đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh này vì cho rằng cơ sở pháp lý của việc quy buộc tội danh này đối với bị cáo chưa được đảm bảo.
Ngoài kháng cáo về tội danh, bị cáo Danh còn xin HĐXX xem xét thu hồi, đối trừ các khoản tiền nhằm giảm thiểu thiệt hại của vụ án như: khoản tiền đã thanh toán cho nhóm bà Hứa Thị Phấn 3.658 tỷ đồng do nguồn gốc số tiền này phần lớn được rút ra từ VNCB với các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật.
Tương tự, trong khoản tiền 5.490 tỷ đồng liên quan nhóm bà Trần Ngọc Bích (bản án sơ thẩm chỉ xác định thu hồi và hạch toán lại số tiền từ ông Trần Quý Thanh 5.190 tỷ đồng coi như đã được khắc phục xong hậu quả đối với khoản thiệt hại này), theo bị cáo Danh vẫn còn khoản tiền 300 tỷ đồng của 3 khách hàng thuộc nhóm Trần Ngọc Bích cho ông vay và hưởng lãi suất bên ngoài theo thỏa thuận, hoàn toàn không phát sinh hậu quả thiệt hại của hành vi cố ý làm trái, cần được xác định là giao dịch về mặt dân sự.
Ngoài ra, ông Danh cho rằng cá nhân ông cùng Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB đã chứng minh được tổng số khoản tiền chi lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích là 2.760 tỷ đồng, do nguồn gốc số tiền chi từ nguồn tiền bị coi là vi phạm pháp luật, nên cần được xem xét, thu hồi khoản tiền thu lợi bất chính này nhằm khắc phục hậu quả vụ án.