(NÓNG TRONG TUẦN) Vợ chồng người tố cáo Đường “Nhuệ” được tại ngoại; y án chung thân ông Nguyễn Bắc Son

Thứ Bảy, 02/05/2020, 07:31
Trong tuần qua, phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong đại án MobiFone mua AVG gây sự chú ý của dư luận khi ông Nguyễn Bắc Son bị tuyên y án chung thân. Vụ án Đường “Nhuệ” Thái Bình cũng nóng trở lại khi vợ chồng người tố cáo “giang hồ đội lốt doanh nhân” được cho tại ngoại…

Trong thời gian TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo đều nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt, không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan.

HĐXX phúc thẩm xác định, trong vụ án này, bị cáo Son giữ vai trò chính nên phải chịu trách nhiệm cao nhất. Các bị cáo khác là đồng phạm. “Tại phiên toà sơ thẩm, HĐXX đã áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Son. Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Son cũng không xuất trình thêm được tài liệu gì mới nên không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt”, HĐXX phúc thẩm nêu rõ.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm quyết định y án sơ thẩm đối với bị cáo Son (16 năm tù vì tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng; tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân).

Liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ” Thái Bình, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội Phạm Văn Hà đã ký Quyết định số 2983/2020/HSPT-TĐTG ngày 28/4/2020 và Quyết định số 2984/2020/HSPT-TĐTG ngày 28/4/2020 thay thế biện pháp tạm giam đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962) và Phạm Thị Quyết (SN 1967) bằng biện pháp “bảo lĩnh” (tại ngoại) đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm.

Vợ chồng Đường "Nhuệ" và trụ sở Công ty Đường Dương.

Trước đó, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên toà sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù và bị cáo Phạm Thị Quyết 13 năm tù cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau phiên toà sơ thẩm, vợ chồng bị cáo Lẫm và Quyết làm đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội và đang chờ xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Vụ “ly hôn ngàn tỉ” giữa cặp vợ chồng ông chủ cafe Trung Nguyên vẫn chưa hết sức “nóng” khi mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án hình sự “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty cổ phần (CP) Cà phê hòa tan Trung Nguyên (đóng trên địa bàn Bình Dương) để điều tra làm rõ.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee đã tố cáo ông Nguyễn Duy Phước, Trưởng phòng Pháp lý Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, có hành vi thể hiện dấu hiệu sử dụng tài liệu giả. Sau khi nhận được đơn tố giác của bà Thảo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và gửi tài liệu giám định. 

Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an sau đó đã có kết luận giám định các tài liệu nêu trên “có dấu vết bị cắt ghép” nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án.

Trong khi dư luận vẫn đang theo dõi sát sao vụ bê bối nâng khống giá mua máy xét nghiệm Real-time PCR tự động phát hiện COVID-19 ở nhiều tỉnh thành thì tại Đắk Lắk, hàng loạt cán bộ Sở Y tế của tỉnh này bị bắt đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình tổ chức thực hiện việc đấu thầu các mặt hàng thuốc.

Cơ quan điều tra dẫn giải các đối tượng đến nơi làm việc để tiến hành việc khám xét.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố tổng cộng 10 bị can bao gồm bắt tạm giam 6 bị can (trong đó có nguyên nguyên Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long) và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 4 bị can. 

K.Hiền (tổng hợp)
.
.
.