Xét xử sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín: Làm rõ các khoản dư nợ của nhóm Phương Trang
- Rõ mối quan hệ giữa bà Hứa Thị Phấn và Công ty Phương Trang
- Bà Hứa Thị Phấn đã thâu tóm ngân hàng Đại Tín như thế nào?
- Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín khẳng định làm theo chỉ đạo của bà Hứa Thị Phấn
- Tuyên án các bị cáo trong vụ xét xử ngân hàng Đại Tín
Ngày 16-5, phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) đối với bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) và 27 đồng phạm tiếp tục với phần tham gia thẩm vấn của các luật sư.
Bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) tình trạng của Công ty Phương Trang trước khi vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín.
Ông Toàn cho biết, thông qua bà Phấn, nhóm Phương Trang vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín. Lúc này, Phương Trang đang vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn và dư nợ không được tốt lắm, ông nghe thông tin này và nói lại cho bà Phấn biết nhưng bà Phấn nói “ngân hàng của tôi đừng có xía vô”. Toàn bộ hoạt động vay tiền của Công ty Phương Trang do HĐQT Ngân hàng Đại Tín quyết định.
Quang cảnh phiên toà. |
Sau khi thanh tra, ngân hàng Nhà nước vào làm việc ở hai chi nhánh để xử lý công nợ mới có công văn 2012.
Liên quan đến khoản vay mua phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng tại Công ty Trường Vĩ (một trong những công ty con của Phương Trang), quá trình xét hỏi tại toà đại diện Công ty Phương Trang và kết luận cáo trạng thể hiện Phương Trang chưa được giải ngân số tiền này, luật sư Lưu Văn Tám hỏi ông Toàn về nội dung 2 văn bản của Công ty Phương Trang phát hành năm 2012, cụ thể nội dung văn bản 1 có chi tiết: Phương Trang nhận có khoản dư nợ trái phiếu và đã trả lãi.
Văn bản còn lại Phương Trang cũng xác nhận tổng dư nợ tại thời điểm trên tại Ngân hàng Đại Tín là 4.523 tỷ đồng nhưng tại toà Phương Trang chỉ nhận 3.936 tỷ đồng, con số chênh nhau gần 600 tỷ đồng.
Ông Toàn cho biết, thời điểm đó ông không nhìn thấy văn bản trên, đến khi Thanh tra Nhà nước vào cuộc thì ông mới thấy văn bản này. Về con số chênh lệch dư nợ của Phương Trang, ông Toàn nói “không có ý kiến”.
Trong phần trả lời luật sư, bị cáo Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) khai, có biết Công ty Phương Trang vay mượn nợ với bà Phấn nhưng việc vay mượn như thế nào không biết, chỉ có bà bị cáo biết.
“Nhiều lần bị cáo thấy có nhiều người lạ thường xuyên đến gặp bà nên hỏi thăm thì bà nói những người đó bên Phương Trang đến mượn tiền bà”, bị cáo Huệ khai. Tuy nhiên, các khoản vay của Phương Trang vay bị cáo không được bà Phấn trao đổi và thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký bà Phấn) ký các chứng từ.
Trước đó, trả lời luật sư, đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB), cho biết từ năm 2010-2012 (trước khi bị mua lại và đổi tên), Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (nhóm Phương Trang) tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, tổng số tiền giải ngân trên sổ sách là 16.468 tỷ đồng.
Sau đó nhóm Phương Trang đã tất toán 36 khoản vay, tính đến ngày khởi tố vụ án thì nhóm Phương Trang còn dư nợ 25.941 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng và dư nợ lãi là 16.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định, trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà Ngân hàng Đại Tín giải ngân thì công ty này chỉ nhận được 3.936 tỉ đồng.
Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, CB đã kế thừa toàn bộ khoản vay của nhóm Phương Trang. Khi chuyển giao cổ phần từ nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn sang nhóm Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, các hồ sơ vay không bị ảnh hưởng. Hiện nay nhóm Phương Trang vẫn chưa tất toán 46 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng, tính đến nay cả gốc và lãi hơn 27.000 tỷ đồng.
Liên quan đến các khoản nợ này, hiện CB đã khởi kiện 26 vụ án ra tòa án nhân dân các quận 1, 3, 7, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), quận Hải Châu (Đà Nẵng), huyện Bến Lức (Long An)...
Sau câu trả lời này, HĐXX đã yêu cầu CB với tư cách nguyên đơn dân sự phải có văn bản yêu cầu tất cả các tòa án trên đình chỉ vụ án chờ kết quả của vụ án hình sự này. Theo chủ tọa phiên toà Phạm Lương Toản, khi vụ án hình sự đang được giải quyết thì tất cả các vụ án tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đều phải tạm đình chỉ, chờ bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mới xét xử tiếp hoặc đình chỉ.
Hôm nay 17-5, toà nghỉ và sẽ tiếp tục làm việc vào ngày thứ sáu, 18-5.