Kinh hoàng những lò giết, mổ lợn bệnh

Chủ Nhật, 01/05/2016, 08:19
Ngày 28-4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC 49), Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cùng lúc thu giữ 4 tấn thịt lợn chết đang chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ.


Đáng chú ý, trong số này còn có các sản phẩm từ thịt lợn gồm mỡ, tóp mỡ đang trong quá trình phân hủy, một số nồi mỡ vào thời điểm kiểm tra đang có giòi... Đây chỉ là một trong số các vụ vi phạm về môi trường được Phòng Cảnh sát môi trường (PC 49) Công an tỉnh Hải Dương phát hiện trong tháng 4-2016.

Cơ sở giết, mổ, kinh doanh thịt lợn trên được tổ chức tại gia đình bà Nguyễn Thị Nụ (ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở này đang giết mổ 3 con lợn chết...

Số thịt lợn chết thu giữ tại cơ sở của bà Nụ.

Ở trong chuồng lợn vào thời điểm đó vẫn còn một con lợn chết đang chờ đưa ra thị trường. Quá trình kiểm tra, Phòng PC 49 Công an tỉnh Hải Dương còn phát hiện 5 tủ cấp đông loại 500 lít và 700 lít, bên trong chứa khoảng 1,8 tấn sản phẩm từ lợn như thịt, xương đã biến đổi màu sắc. Đáng chú ý là các sản phẩm này đều đang trong quá trình phân hủy, có sản phẩm xuất hiện giòi, bọ... Vụ việc được phát hiện vào hồi 17h ngày 28-4.

Tận mắt chứng kiến những thùng mỡ đã bốc mùi, một số còn có giòi, đoàn cán bộ kiểm tra không khỏi rùng mình trước hành vi vi phạm nghiêm trọng của bà Nụ. Với những người được chứng kiến những hình ảnh này qua các camera, có lẽ sẽ ít ai dám ra ngoài ăn cơm bụi? Được biết, cơ sở giết, mổ, kinh doanh thịt lợn tại gia đình bà Nụ hoạt động đã nhiều năm nay. Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn không chỉ cung cấp trên địa bàn mà còn mở rộng sang các khu vực lân cận.

Chủ cơ sở biết rõ hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất cảnh giác trong quá trình hoạt động. Việc mua bán, vận chuyển lợn chết không có thời gian cố định trong ngày... Có khi vào lúc nửa đêm, có lúc trời tang tảng sáng, vắng người qua lại.

Không những vậy, chủ cơ sở còn ngụy trang hoạt động bằng việc tổ chức các địa điểm khép kín, cất giấu các sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở một căn nhà ngang.  Trong quá trình kinh doanh, chỉ cần xuất hiện một người lạ là bà Nụ lập tức đóng cửa.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nụ không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan tới việc hoạt động, kinh doanh của cơ sở, cũng như không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm kể trên, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y... Chủ cơ sở này cho biết số sản phẩm trên chủ yếu là thịt, mỡ lợn ốm, lợn chết được bà thu mua tại các địa phương lân cận về mổ, sau đó đem bán kiếm lời.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 30-4, Chi cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 11,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm bẩn này.

Trước đó, vào hồi 16h ngày 21-4, Đội 3, Phòng PC49 chủ trì đề nghị các đơn vị phối hợp gồm: Chi cục QLTT Sở Công thương; Chi cục Thú y, Chi cục Nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đã phát hiện tại gia đình bà Bùi Thị Thư (37 tuổi, trú tại Đội 2, khu Phú Tảo, phường Thạch Khôi, TP Hải Dương) có 7 con lợn bệnh, ốm yếu được vận chuyển đến để đợi giết mổ (mỗi con có trọng lượng từ 30 đến 50kg). Quá trình kiểm tra còn thu giữ trong nhà bà Bùi Thị Thư còn có 1 tủ cấp đông 3 ngăn, dùng để lưu trữ các sản phẩm từ lợn (thịt, xương, mỡ, bì). Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương xác định 7 con lợn tại nhà bà Bùi Thị Thư là lợn ốm yếu, nghi mắc bệnh tụ huyết trùng.

Tổ công tác tiến hành kiểm tra số sản phẩm của lợn lưu trữ trong tủ cấp đông xác định số sản phẩm này đã biến đổi màu sắc, mùi vị, qua kiểm kê số lượng sản phẩm của lợn trong tủ cấp đông là 278kg. Căn cứ kết quả xác minh và quy định của pháp luật, PC49 đã đề nghị Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương lập biên bản xác định tình trạng 7 con lợn ốm, bệnh và yêu cầu giết mổ tại cơ sở sau đó sử dụng hóa chất và xử lý qua nhiệt độ để làm thức ăn chăn nuôi (Chi cục thú y và Trạm thú y TP Hải Dương giám sát quá trình chấp hành của cơ sở).

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng PC 49 Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Nguyên nhân của các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên đều bắt nguồn từ lòng tham của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Một con lợn chết thường được mua với giá từ 200 đến 500 nghìn đồng, cao nhất cũng chỉ lên tới khoảng 1 triệu đồng với một con lợn nặng hơn một tạ. Điều đáng quan ngại là trong số thịt lợn chết đó, nhiều con chưa xác định bị bệnh gì nên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Trước đó, vào hồi 6h30’ ngày 23-4, cơ quan chức năng kiểm tra tại gia đình ông Nguyễn Văn Phút (50 tuổi, trú tại thôn Đào Phái, xã Phạm Kha, Thanh Miện) phát hiện các bao tải chứa tóp mỡ động vật có mùi khó chịu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm chuyển từ trên xe ôtô tải BKS 34C- 041.70 xuống kho nơi chứa hàng của gia đình. Mở rộng kiểm tra, phát hiện tổng số tóp mỡ trong kho và xe ôtô là 3.000kg.

Vào thời điểm kiểm tra, ông Phút không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tóp mỡ nói trên và hồ sơ kiểm dịch. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vụ việc và làm việc với chủ cơ sở đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc PC49 bàn giao cho Đội 8- Chi cục quản lý thị trường tỉnh Hải Dương giải quyết theo thẩm quyền.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Quang cho biết: Đối tượng vi phạm rất đa dạng, có thể là doanh nghiệp lớn cũng có thể là nhóm nhỏ người, cũng có thể là tập thể, cá nhân... Vì vậy, để phòng ngừa các vụ việc trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Pháp lệnh thú ý và an toàn thực phẩm đến từng người dân. Đây là biện pháp cơ bản nhất.

Theo đó, việc tuyên truyền cần tách thành 2 đối tượng, một là người chăn nuôi và người làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Cùng với đó, cần sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc chủ động phối hợp với lực lượng Công an đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Xuân Mai
.
.
.