Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các chợ truyền thống ở Quảng Ngãi

Thứ Hai, 21/08/2023, 07:18

Chợ truyền thống có đặc điểm chung là hàng hóa bày lộn xộn, che chắn lối đi, hệ thống điện xuống cấp, các hạng mục về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không đảm bảo... Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 9 chợ không đảm bảo yêu cầu về PCCC, do đó, nguy cơ cháy nổ tại các chợ này luôn hiện hữu, nhất là trong mùa nắng nóng.

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ gây thiệt hại về tài sản của người dân như vụ cháy chợ Quảng Ngãi năm 2012, chợ Nghĩa Phú năm 2015, chợ Nghĩa Kỳ năm 2017. Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trong tỉnh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, công tác đảm bảo an toàn PCCC vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, xuất phát từ sự chủ quan của tiểu thương, sự thiếu cương quyết của ngành chức năng. Những hình ảnh dễ bắt gặp tại các chợ truyền thống là tình trạng hàng hóa dễ cháy xếp tràn lan, lấn chiếm đường nội chợ, dây điện giăng mắc ngang dọc, khu vực lắp đặt thiết bị chữa cháy đã ít lại bị che khuất bởi hàng hóa...

7-2.jpg -0
Cổng vào chợ Châu Sa (TP Quảng Ngãi) bị thu hẹp do tiểu thương bày hàng hóa ra cả lối đi.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Châu Sa, xã Tịnh Châu (TP Quảng Ngãi), một số tiểu thương chất, treo hàng hóa khá cao, đè lên dây điện. Điều này rất nguy hiểm, dễ gây chập điện. Chỉ cần một tia lửa điện bén vào hàng hóa là bùng thành đám cháy khó kiểm soát. Thậm chí, một số tiểu thương còn bày hàng hóa chiếm gần hết lối đi. Hệ thống PCCC tại đây cũng còn nhiều bất cập... Tương tự, tại chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi), các gian hàng kinh doanh quần áo, đồ gia dụng, túi xách, giày dép... lấn ra đường. Nếu có hỏa hoạn xảy ra thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận đám cháy.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 9 chợ không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Cụ thể là các chợ: Nghĩa Phú, Nghĩa Dõng, Châu Sa, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi); Thạch An, Nước Mặn (huyện Bình Sơn); Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ); Đồng Cát, Thi Phổ (huyện Mộ Đức). Đây là những chợ được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 28/2021/QH10 có hiệu lực. Vi phạm trong công tác PCCC ở các chợ thường gặp là tiểu thương chưa quan tâm đến công tác PCCC, người dân câu kéo điện mất an toàn, để đồ đạc chắn lối đi, che khuất các thiết bị điện... Ngoài ra, một số chợ không được sửa chữa, cải tạo; hệ thống thiết bị điện thiếu an toàn. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC ở các chợ là rất khó. Bởi những chợ này xây dựng khá lâu, nay đã xuống cấp nên không thể đầu tư hệ thống PCCC.

“Để khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC ở các chợ, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có phương án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hệ thống PCCC và tăng cường tuyên truyền, tổ chức cho tiểu thương ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Bởi, một khi các tiểu thương nâng cao nhận thức, không kê hàng hóa sát ổ điện, lối đi; không thắp đèn, nến, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã trong chợ... sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy nổ xảy ra”, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh thêm.

Trung Thành   
.
.
.