Xử lý dứt điểm sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân
- Nhà máy cồn Đại Tân trước nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường trầm trọng
- Nhà máy cồn Đại Tân xin lỗi về sự cố môi trường
Như Báo CAND Online đã nhiều lần thông tin, từ sáng 19-9, người dân đã bắt đầu “bao vây” khu vực Nhà máy cồn Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; dựng lều trại, bố trí người ngăn chặn các xe chở nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản phẩm giao cho khách hàng ra vào của nhà máy sau sự cố tràn dầu fusel trong nhà máy này. Việc này khiến cho nhà máy phải dừng hoạt động sản xuất.
Chính quyền địa phương đã tổ chức một số buổi đối thoại giữa người dân và lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân, song các buổi đối thoại này đều đi vào “ngõ cụt”, người dân vẫn tiếp tục “bao vây”, ngăn cản công nhân vào nhà máy khắc phục sự cố tràn dầu fusel, duy trì xử lý môi trường, bảo dưỡng máy móc thiết bị, bảo vệ an toàn phòng cháy chữa cháy,…
Đáng chú ý, theo báo cáo của Nhà máy cồn Đại Tân, hiện tại lượng dịch lên men còn tồn khoảng 9.000m3, nếu không chưng cất kịp thời trong vài ngày nữa, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Nghiêm trọng hơn, nếu lượng dịch lên men này bị hư hỏng còn có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm về môi trường cũng như an toàn cháy nổ.
Nhà máy cồn Đại Tân bị "tê liệt" sau sự cố tràn dầu fusel. |
Liên quan đến những vấn đề phát sinh sau sự cố tràn dầu fusel xảy ra tại Nhà máy cồn Đại Tân, sáng 27-9, trao đổi với PV CAND online, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh đã có Công văn số 5734/UBND-TD về việc xử lý sự cố môi trường tại nhà máy này.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy cồn Đại Tân, khẩn trương có phương án khắc phục sự cố tràn dầu fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài khu vực đã xảy ra sự cố, xử lý triệt để mùi hôi, không để phát tán thêm ra khu vực xung quanh, tuyệt đối không để xảy ra cháy nổ, bao gồm cả việc xử lý an toàn đối với 9.000m3 dịch tồn hiện nay.
Khi thực hiện phương án khắc phục này phải có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân khu vực xung quanh nhà máy.
Ngoài ra, Công ty phải lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn đối với nhà máy sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động, nếu để xảy ra sự cố tương tự thì nhà máy tự nguyện đóng cửa, không hoạt động cho đến khi hoàn thành việc di dời dân đến nơi ở mới.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc tăng cường kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân; đồng thời khảo sát, đánh giá việc ảnh hưởng của nhà máy đến đời sống nhân dân và có phương án di dời nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân, báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan xem xét quyết định.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng sự cố xảy ra tại Nhà máy cồn Đại Tân là điều đáng tiếc, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm. Tuy nhiên, các hộ dân tập trung đông người cản trở việc xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy là không đúng pháp luật. Nếu không kịp thời khắc phục ngay sự cố, có thể kéo theo sự cố khác xảy ra, lúc đó thiệt hại của công ty và người dân sẽ lớn hơn, hậu quả khi đó có phần trách nhiệm của những người ngăn cản.
Vì vậy, các hộ dân khẩn trương hợp tác với công ty, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong việc khắc phục sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Đại Tân; đồng thời giám sát việc khắc phục sự cố này.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Đại Lộc và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại khu vực Nhà máy cồn Đại Tân; phối hợp với các ngành chức năng điều tra làm rõ sự cố xảy ra, thông tin cho chính quyền và nhân dân biết.