Những công trình cấp nước sinh hoạt tiền tỷ “ngủ quên"

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:46
Theo cơ quan chức năng, đến cuối tháng 3-2016, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có hàng ngàn hộ dân đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong khi đó, hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn (CNTT) lại nằm “đắp chiếu” gây lãng phí tiền của Nhà nước...


Giữa cao điểm mùa của khô Tây Nguyên nhưng gần 100 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông vẫn rất phấn khởi vì có nước sinh hoạt. Nguồn nước này được lấy từ công trình CNTT theo Chương trình mục tiêu 134 của Chính phủ. 

Ông Đỗ Bá Thanh, Phó bon Bu Sóp phấn khởi cho biết: “Đã hơn 11 năm sau khi đưa vào sử dụng nhưng công trình vẫn đảm bảo được ổn định nguồn nước sinh hoạt cho bà con trong bon. Mặc dù giá thành nước khá thấp, số tiền thu được còn ít nhưng công trình thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng nên vẫn hoạt động khá hiệu quả”.

Một công trình CNTT tại xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã hư hỏng, ngừng hoạt động.

Trên đây chỉ là một trong số ít những khu vực dân cư tại xã Đắk Nia được hưởng lợi từ các công trình CNTT. Ông Nguyễn Thái Ban, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho hay, theo kết quả rà soát mới nhất của xã cho thấy có tới 7/10 công trình CNTT trên địa bàn đã ngưng hoạt động, 2/10 công trình hoạt động trung bình và 1/10 công trình hoạt động kém hiệu quả.

“Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 công trình CNTT ở thôn Đắk Tân và bon Njieng được đầu tư số tiền lên đến gần 2,4 tỷ đồng (gần 1 tỷ đồng xây dựng và hơn 1,4 tỷ đồng nâng cấp sửa chữa) nhưng đã ngừng hoạt động lâu nay”, ông Ban cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Đắk Nông), hiện các công trình CNTT của toàn tỉnh đã lâm vào tình trạng đáng báo động cả về chất lượng, các hạng mục công trình, nguồn nước và tình hình tổ chức quản lý khai thác.

“Toàn tỉnh hiện có 230 công trình CNTT, thiết kế cấp nước cho gần 22.000 hộ dân và được đầu tư từ nhiều nguồn vốn như: Danida (Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch); Chương trình 134, 135 và 1592 của Chính phủ... với tổng kinh phí hơn 233 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, chỉ có 103 công trình (tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng) hoạt động bình thường (chiếm 44,8%), 127 công trình còn lại (tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng) đã hư hỏng và ngưng hoạt động. Trong số 103 công trình đang hoạt động thì chỉ có 20 công trình hoạt động bền vững (chiếm 20%), 53 công trình hoạt động trung bình (chiếm 51%) và còn lại là hoạt động kém hiệu quả”, ông Dương thống kê.

Cũng theo ông Dương, việc sử dụng kinh phí để vận hành, bảo dưỡng tại các công trình CNTT cũng còn nhiều bất cập. Kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một công trình CNTT đã “đắp chiếu” lâu nay có thể tương đương với giá trị một công trình xây mới. Trong khi đó, nhiều công trình mới gặp trục trặc, có thể khắc phục được ngay thời điểm đó với kinh phí rất thấp nhưng lại “không tìm đâu ra”.

“Mức thu tiền nước ở tất cả các công trình CNTT rất thấp, khó có thể tích lũy được quỹ duy tu, bảo dưỡng công trình. Việc xin kinh phí sửa chữa công trình từ ngân sách địa phương cũng rất khó khăn và phức tạp. Chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm, xây dựng một quỹ dự phòng để chủ động duy tu, bảo dưỡng các công trình CNTT trên địa bàn”, ông Dương bày tỏ.

Văn Thành
.
.
.