Xôn xao vỡ nợ 200 tỷ đồng, phố núi cao nguyên náo loạn
- Cảnh báo tình trạng vỡ hụi ở miền Tây Nam bộ
- Lừa đảo trên 2,5 tỷ đồng rồi thông báo vỡ hụi
- Thêm vụ vỡ hụi, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng
Theo đó, công dân tuyên bố vỡ nợ và đề nghị được cơ quan chức năng bảo vệ là bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú tại 31/18 đường AMa Quang, phường Hoa Lư, TP Pleiku). Trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Thương là nhân viên tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Gia Lai (BIDV Gia Lai); chồng bà Thương cũng là nhân viên tại ngân hàng này.
Trao đổi với chúng tôi, bà C.T.H. là một trong những người cho bà Thương vay mượn tiền vừa khóc vừa nói: Tôi có cho bà Thương vay ngắn hạn với số tiền gần 3 tỷ đồng, lãi suất do 2 bên tự thỏa thuận theo từng thời điểm. Số tiền này tôi gom góp từ việc bán đất của gia đình và vay mượn thêm của một số anh em, họ hàng.
Cổng nhà bà Thương đã khóa và không có ai ở nhà. |
Cũng theo bà H., khi vay mượn tiền bà Thương nói dùng để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lại tiền trong thời gian ngắn.
Thời gian đầu, bà Thương trả tiền rất đúng hẹn, lãi suất bà Thương đưa ra cũng cao hơn so với lãi suất ngân hàng nên nhiều người đã tin tưởng, đưa cho bà Thương số tiền lớn. Ngoài ra, vợ chồng bà Thương cùng làm ngân hàng nên tôi không có sự nghi ngờ nào khi cho vay mượn tiền.
Khi vay tiền, bà Thương còn thế chấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người khác mà theo lời bà Thương là vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho chủ sở hữu của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. “Bây giờ bà Thương tuyên bố vỡ nợ thì tôi không biết phải làm như thế nào, hiện đang phải giấu gia đình, chưa dám nói ra”, bà H. nói.
Một người dân có nhà gần với nhà bà Thương tại số 31/18 đường AMa Quang cho biết thêm: Sau khi có thông tin bà Thương vỡ nợ, đã có rất nhiều người tìm đến nhà nhưng căn nhà này đã đóng cửa, không còn ai ở nhà. Vợ chồng bà Thương có 2 con, đều còn nhỏ tuổi. Trước đây, vợ chồng bà Thương đi làm suốt ngày và chỉ về nhà ngủ vào buổi tối. Hàng xóm chỉ gặp, tiếp xúc gia đình bà Thương vào các ngày Lễ, Tết hay cúng kính khu dân cư.
Theo người dân này, trước thời điểm có thông tin bà Thương vỡ nợ, gia đình bà Thương có nhiều người ra vào, lại đúng dịp bà Thương bị đau phải truyền dịch nên hàng xóm nghĩ họ đến thăm bà này ốm đau. Sau đó thấy nhà đóng cửa, nhiều người đến nhòm ngó thì mới biết bà Thương tuyên bố vỡ nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người cho bà Thương vay mượn tiền chủ yếu nằm trên địa bàn TP Pleiku, Gia Lai. Người cho vay ít nhất là vài trăm triệu, người cho vay nhiều nhất khoảng 100 tỷ đồng.
Đến ngày 28/6, bà Thương đến Công an phường Hoa Lư, TP Pleiku trình báo về việc đang vay của một số cá nhân với số tiền khoảng 200 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả và đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng bảo vệ tính mạng bản thân và gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chương, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Lai xác nhận: Bà Lê Thị Thương là nhân viên thời vụ khoán gọn tại chi nhánh, công việc chính là hỗ trợ hành chính chứ không liên quan đến hoạt động tín dụng. Bà Thương làm việc theo hợp đồng thời vụ và đã có thâm niên làm việc 10 năm tại ngân hàng.
“Việc vay mượn của bà Thương là công việc làm ăn cá nhân và đến nay chi nhánh chưa phát hiện có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Hiện vụ việc đang được Công an TP Pleiku điều tra và chưa có kết luận cuối cùng. Ngân hàng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm rõ thông tin, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật”, ông Chương nói.