Vẫn còn nhiều “ma men” ngồi sau tay lái

Thứ Năm, 03/01/2019, 20:17
Người dân ở khu vực ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vẫn còn bàng hoàng “ớn lạnh” nghĩ đến cảnh vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều 2-1 vừa qua, làm 4 người chết và 18 người bị thương.

Có mặt tại đây vào ngày 3-1, PV Báo CAND ghi nhận nhiều người vẫn đang bàn tán về vụ tai nạn giao thông mới xảy ra, ai cũng xót xa cho số phậm những nạn nhân, nhất là 4 nạn nhân xấu số.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Bến Lức, Long An

Theo cơ quan Công an tỉnh Long An, qua xét nghiệm nước tiểu, tài xế Phạm Thanh Hiếu (32 tuổi, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An) dương tính với heroin và xét nghiệm máu cho kết quả nồng độ cồn cao.

Đây cũng là một trong khá nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông nghiêm trọng mà trong trong máu có nồng độ cồn cao. Như vụ tai nạn giao thông ở Ngã tư hàng xanh tối 21-10-2018 do người Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh) điều khiển chiếc xe BMW. Sau khi uống nhiều rượu bia, người phụ nữ này đã điều khiển xe ô tô về và đụng nhiều người đang dừng đèn đỏ ngay Ngã tư Hàng Xanh (thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), làm 1 người tử vong và 5 người bị thương, nhiều phương tiện bị hư hỏng nặng.
Vụ tai nạn giao thông tại Ngã tư hàng xanh tối 21-10-2018

Không lâu sau đó, tối 18-12-2018, xảy ra vụ tai nạn giao thông trên đường Trích Sài (Hà Nội) làm 6 người bị thương, hàng loạt phương tiện hư hỏng. Nữ tài xế điều khiển chiếc Lexus GX470 gây ra vụ tai nạn là Nguyễn Thu Trang (29 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã sử dụng rượu bia. Qua đo nồng độ cồn, Công an phát hiện nồng độ cồn của Nguyễn Thu Trang gần 0,7 miligam/lít khí thở.

Trên đây chỉ là một số trong số rất nhiều vụ tai nạn thương tâm nguyên nhân từ việc các tài xế lái xe ô tô đã sử dụng rượu, bia, coi thường tính mạng con người.

Mặc dù vậy, nhưng vẫn còn rất nhiều “ma men” ngồi sau tay lái. Nhiều lần chúng tôi chứng kiến lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn và phát hiện khá nhiều người đã nhậu say mà vẫn điều khiển ô tô lưu thông trên đường. 

Như tại ngã tư Hàng Xanh, chúng tôi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội CSGT Hàng Xanh tiến hành kiểm tra nồng độ cồn một số người điều khiển giao thông. Trong thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ, có gần 10 trường hợp phát hiện vượt quá nồng độ cồn theo quy định. 

Một trường hợp tên T., điều khiển xe ôtô 4 chỗ, bị CSGT phát hiện nồng độ 0,41ml, cho biết: “Tôi đi làm xong rồi gặp đối tác nên anh em uống mấy chai bia, tôi vẫn tỉnh táo để lái xe, biết là vi phạm nhưng trong quan hệ làm ăn không thể mang xe về rồi mới đi nhậu”. 

Tất nhiên, giải thích là cách hay làm của những người vi phạm nhưng theo quy định, anh T., vẫn phải chấp nhận ký tên vào biên bản vi phạm (về nồng độ cồn trong khi lái xe) và tạm giữ phương tiện. Còn anh Tr., điều khiển xe mô tô, khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn thì vượt quá mức quy định ở mức 0,50ml, cũng bị CSGT lập biên vi phạm và tạm giữ phương tiện.

Khi được hỏi có biết vụ TNGT xảy ra tại địa điểm này (ngã tư Hàng Xanh), những người vi phạm đều khẳng định “có biết”. Nhưng khi được hỏi tiếp: Biết sao vẫn cứ uống rượu bia, sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì ai cũng có cớ trả lời và xin được “bỏ qua”.

Thói quen điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia ở Việt Nam vẫn còn phổ biến

Vào những ngày đầu năm 2019, rảo quanh một số con đường có nhiều quán nhậu như đường Phạm Viết Chánh, Sương Nguyệt Ánh (quận 1); đường Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3); đường Nguyễn Thị Thập (quận 7); Sư Vạn Hạnh, Trường Sơn (quận 10); Lê Văn Khương (quận 12); khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh), cả những quán nhậu ngay gần khu vực ngã tư Hàng Xanh… chúng tôi thấy các quán khá đông người sau khi rời cuộc nhậu, vẫn tự lái ôtô, xe máy.

Trung tá Lê Văn Chung, Phó Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi kiểm tra nồng độ rất thường xuyên nhưng ý thức của nhiều người tham gia giao thông vẫn không chuyển biến, có nhiều người vi phạm phạm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn”.

Có mặt tại đường Điện Biên Phủ (quận 3) khoảng 22 giờ, PV Báo CAND ghi nhận hàng loạt phương tiện ô tô khi lưu thông trên đường bị Đội CSGT Bàn Cờ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) kiểm tra nồng độ cồn m. CSGT phát hiện 1 trường hợp có mức cồn trong máu là 1,39 miligam/lít khí thở. Tài xế này bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe. Tài xế Phạm Văn V. (Bình Thạnh), người vi phạm nồng độ cồn cho biết, đây là lần đầu tiên vi phạm nồng độ cồn. Hôm nay tiếp khách nên ông có uống khoảng 5 chai bia rồi tự lái xe về.

Trung tá Thái Văn Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, Đội CSGT Bàn Cờ đã xử lý 987 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với cả phương tiện mô tô và ô tô. Trong đó, có 23 trường hợp ô tô vi phạm buộc phải tạm giữ phương tiện và 936 trường hợp người điều khiển mô tô vi phạm, có 1 trường hợp tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn. Đặc biệt, có 7 trường hợp nữ giới vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy.

Liên quan đến hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xét trên phương diện luật pháp, các quy định đã khá đầy đủ, khung hình phạt gần đây cũng tăng rất nặng nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu ý thức trong chấp hành pháp luật.

Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “TNGT nguyên nhân bắt nguồn từ rượu, bia thời gian qua là tiếng chuông báo động cho toàn thể người dân và xã hội. Do đó, hơn lúc nào hết, CSGT cần tăng cường chuyên đề kiểm tra nồng đô cồn đối với người tham gia giao thông, việc xử thật nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của luật pháp. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn những vụ TNGT thảm khốc do ma men gây ra”.

“Hạn chế TNGT là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu”, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ quán giải khát cạnh Ngã tư Hàng Xanh nói.

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông ở nước ta với tỷ lệ trên 40%; khoảng 11% số người chết do TNGT có liên quan rượu bia. 

Việt Nam trở thành một trong những nước sử dụng rượu, bia nhiều, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 10 ở châu Á. Chỉ tính riêng lượng bia tiêu thụ của người Việt trong năm 2017 lên đến trên 4 tỉ lít, chưa kể những thứ đồ uống có cồn trôi nổi khác ngoài thị trường. Tại các quán nhậu hay đám xá, tiệc tùng, người ta tha hồ chúc tụng, mời mọc nhau, thậm chí ép nhau uống đến say xỉn. Đáng ngại nhất là rất nhiều người trong số người ngay sau đó vẫn lái xe tham gia giao thông. 

Ông Nguyễn Văn Châu, Việt kiều Canada (tạm trú tại phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh) nói, tại Canada, pháp luật quy định người có nồng độ cồn hoặc chất có ma tuý không được ngồi vào ghế lái và có chìa khoá có thể khởi động được xe. Hành vi được coi là vi phạm kể cả khi xe có lăn bánh hay đậu tại chỗ. Thậm chí, người đang dùng thuốc trị bệnh, bác sĩ kê toa cũng khuyến cáo không được lái xe. 

Nếu phát hiện có cồn hoặc chất kích thích trong hơi thở, nước tiểu là bị xử phạt ngay với các mức độ: Nếu đậu xe tại chỗ: Tước giấy phép lái xe, không được nhận giấy phạt tiền tự nguyện, thay vào đó là nhận ngay trước  toà. Nếu chưa gây tai nạn: Phạt tiền từ 5.000 CAD  trở lên (mỗi đô la Canada tương đương 17.676 đồng Việt Nam), giam bằng lái từ 1 năm đến vĩnh viễn, có thể thêm hình phạt tù. 

Nếu là quan chức ngoại giao sẽ bị trục xuất và vĩnh viễn không được quay lại Canada. Còn nếu gây tai nạn chết người trong các trường hợp sau đây sẽ bị truy tố tội danh giết người từ cấp 2 đến cấp 1: Vượt đèn đỏ, chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt dải phân cách cứng, vượt bảng dừng (stop), vượt quá 50% tốc độ cho phép của cung đường đó, không tuân thủ hiệu lệnh công trường...


CSGT kiểm tra nồng đồ cồn đối với lái xe và phát hiện người này có nồng độ cồn trong hơi thở
Nhân Sơn
.
.
.