Di tích Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng vì thiếu tiền trùng tu

Thứ Sáu, 06/05/2016, 09:28
Đến nay thì nhiều tháp trong quần thể tháp ở Mỹ Sơn đang bị xuống cấp trầm trọng; trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến 2 tháp B3 và F1, là những tháp mà nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khu di tích Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có bán kính khoảng 2km gần làng Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam). Phần lớn các ngôi đền lớn ở đây được xây dựng để thờ thần Siva dưới các tên gọi khác nhau. Đến nay thì nhiều tháp trong quần thể tháp ở Mỹ Sơn đang bị xuống cấp trầm trọng; trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến 2 tháp B3 và F1, là những tháp mà nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tháp F1, nơi được khai quật khảo cổ từ năm 2003, hiện trạng là một đống gạch đổ hỗn độn được chèn chống, níu kéo bởi những trụ sắt kiên cố. Đáng lo ngại hơn khi hầu hết gạch của tháp đã bị bạc màu và rạn đứt mạch liên kết…

Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp nghiêm trọng các đền tháp nằm trong quần thể di tích Mỹ Sơn là yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. 

Việc trùng tu các đền tháp tại Mỹ Sơn đang gặp nhiều khó khăn.

Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp; độ ẩm trung bình hằng năm khoảng 80%; lượng mưa trung bình hằng năm vào khoảng 3.000mm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại cây rừng phát triển rất nhanh, nhiều loại cây cỏ đã mọc ký sinh trên tháp, rễ của một số cây lớn ăn sâu vào thân tháp làm cho tường tháp bị nứt nẻ, sụp đổ; các loại nấm mốc, rêu, địa-y cũng góp phần bào mòn bề mặt tường tháp. Nắng, mưa, lũ lụt cũng tàn phá không kém. Bên cạnh đó, một nhánh của khe Thẻ chảy sau lưng khu tháp A bị đổi dòng đã làm sạt lở một số ngôi tháp...

Trước thực trạng xuống cấp của các đền tháp tại Mỹ Sơn, để tìm ra  những giải pháp phù hợp cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn, vào tháng 3-2003, Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã  phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về Bảo tồn Di sản thế giới Mỹ Sơn. 

Các nhà khoa học tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến về việc trùng tu và kết hợp giữa khai thác du lịch với bảo tồn di tích. 

Bên cạnh đó, một số dự án hợp tác giữa Việt Nam và Italia đã được thực hiện tại Mỹ Sơn từ năm 2003-2013, như dự án “Bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn”, “Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Đề cử và đào tạo việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới ở các công trình kiến trúc nhóm G Mỹ Sơn”. 

Năm 2012-2013, Viện Bảo tồn Di tích Trung ương đã phối hợp với Sở VH-TT&DL Quảng Nam tu bổ tháp E7 theo công nghệ của dự án hợp tác Việt Nam - Italia… 

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn và tu bổ di tích Mỹ Sơn là làm sao để việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích phải bảo đảm tính trung thực của lịch sử hình thành các di tích, không làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, phải giữ gìn nguyên vẹn, không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích.

Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy - khai thác giá trị của di sản văn hóa này phải được giải quyết hài hòa, trong đó chú trọng nhiều hơn đến nhiệm vụ bảo tồn, tu bổ tôn tạo di tích. Di tích được bảo tồn tốt sẽ nâng cao tuổi thọ của các đền tháp, phục vụ lâu dài nhu cầu tham qua của du khách và khai thác du lịch một cách bền vững. 

Ông Tịnh cho hay: “Trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã đưa các nhóm tháp B, C, D của di tích Mỹ Sơn vào danh mục những di tích cần bảo tồn cấp thiết. Riêng với tháp B3, cần phải xử lý nền móng và tìm kiếm nguyên nhân chính của việc nghiêng lún sau đó mới có giải pháp bảo tồn hiệu quả được. Còn với tháp F1, đến thời điểm này công việc trùng tu vẫn chưa thể thực hiện dù hồ sơ đã được trình Bộ VH,TT&DL từ năm 2012. Điều này cũng đồng nghĩa việc trùng tu các tháp ở Mỹ Sơn sẽ phải tiếp tục chờ kinh phí và giải pháp”…

Ngọc Thi
.
.
.