Tây Nguyên vẫn nhức nhối tình trạng phá rừng

Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:07
Sau gần 5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên”, tình trạng phá rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có phần nào thuyên giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ, đốt rừng làm nương rẫy lại tái diễn. Không chỉ những cánh rừng nghèo mà cả rừng phòng hộ cũng bị tàn phá không thương tiếc…


Những ngày đầu tháng 6/2021, nhận được tin phản ánh của người dân tại xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai về tình trạng lâm tặc ngang nhiên vào khu vực Tiểu khu 489 thuộc lâm phần quản lý của xã Hra chặt phá rừng.

Theo ghi nhận của phóng viên, để đến được khu vực Tiểu khu 489 này, chỉ có một con đường độc đạo mà ở đó chỉ có những chiếc xe trâu, xe máy độ chế mới có thể đi vào. Khi vừa tiếp cận khu rừng, ngay từ dưới chân núi chúng tôi đã bắt gặp hàng chục chiếc xe máy độ chế chở theo những hộp gỗ đã được xẻ vuông lao vút ra khỏi rừng, hướng về xã Hra mất hút.

Cây rừng tại Tiểu khu 489 bị đốn hạ ngổn ngang.

Sau hơn 2 giờ lội bộ trên con đường độc đạo, khi vừa tiếp cận Tiểu khu 489, trước mặt chúng tôi là cả một vạt rừng bị đốn hạ ngổn ngang, nham nhở. Ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, hàng chục gốc cây có đường kính từ 40-60cm bị cưa hạ nằm rải rác với nhiều dấu vết mới lẫn cũ. Ngoài ra, ngay ven bìa rừng, một bãi gỗ ước khoảng 5m3 đã được lâm tặc xẻ vuông vận chuyển ra tập kết nhưng chưa kịp tẩu tán.

Tiến sâu vào bên trong hiện trường phá rừng này khoảng 1km, phóng viên tiếp tục ghi nhận có khoảng 15 thân cây gỗ có đường kính hơn 1m đã bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang, nhiều thân cây còn ứa nhựa mới tinh. Dấu vết của một vụ khai thác gỗ vừa mới xảy ra.

Trên đây chỉ là một trong hàng trăm vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, trong 5 tháng đầu năm 2021, cơ quan Kiểm lâm tỉnh này đã ghi nhận gần 150 vụ khai thác gỗ trái phép. Tuy nhiên, đa phần các vụ phá rừng này chỉ được phát hiện khi có tin báo của người dân và hầu hết trong các vụ phá rừng, lực lượng chức năng chỉ thu được tang vật, thống kê được thiệt hại mà ít xác định ngay được đối tượng vi phạm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Gia Lai về công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng kinh phí tại 25 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh thì chỉ trong vòng 5 năm (2016-2020), tại 21 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và 1 khu bảo tồn đã để mất hơn 9.600ha rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ. Đa phần các diện tích rừng bị mất là do buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm sử dụng.

Tại tỉnh Đắk Nông, thời gian gần đây lại “nóng” về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Đa phần các vụ việc xảy ra đều nằm trong diện tích rừng được giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án nông lâm nghiệp, mà ở đó có phần yếu kém, buông lỏng về mặt quản lý, bảo vệ rừng của doanh nghiệp.

Điển hình như tại dự án nông lâm nghiệp kết hợp của HTX Thương mại dịch vụ Hợp Tiếp (HTX Hợp Tiến) ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Năm 2016, HTX Hợp Tiến được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê khoảng 1.200ha, trong đó có hơn 600ha đất có rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ. Tuy nhiên, trong những năm qua do năng lực yếu kém, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến rừng nơi đây liên tục bị tàn phá, đất đai bị người dân lấn chiếm vô tội vạ.

Nói về tình trạng phá rừng xảy ra tại HTX Hợp Tiến trong thời gian qua, ông Lê Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho rằng: “Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên dự án của HTX Hợp Tiến là đặc biệt nghiêm trọng”.

Có mặt tại Tiểu khu 1644, phóng viên ghi nhận có đến hàng trăm cây gỗ rừng lớn nhỏ bị chặt hạ nằm ngổn ngang, trong đó có nhiều cây vừa mới bị chặt vẫn còn mới nguyên. 

Theo thống kê của lực lượng chức năng, chỉ tính riêng tại Tiểu khu 1644, diện tích rừng bị phá hơn 2ha. Tương tự, tại Tiểu khu 1645, tình trạng phá rừng để lấn chiếm đất rừng cũng “nóng” không kém. Không chỉ vậy, tại dự án của HTX Hợp Tiến quản lý còn để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp diễn ra khá phổ biến.

Ngay trên đất Tiểu khu 1645, hàng chục ngôi nhà lợp tôn, thưng ván gỗ, thậm chí có cả những ngôi nhà xây kiên cố rộng cả 100m2 ngang nhiên mọc lên như nấm. Để biện hộ cho việc buông lỏng công tác quản lý dẫn đến nhiều diện tích rừng bị phá không thương tiếc, ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho rằng: “Do lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị mỏng, trong khi diện tích rừng rộng, các đối tượng phá rừng hết sức tinh vi nên nhiều vụ phá rừng đơn vị không bắt được đối tượng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và nhất là sự buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng tại các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian gần đây diễn ra khá phổ biến. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, qua thanh tra 13 dự án nông, lâm nghiệp được giao quản lý đất rừng trên địa bàn thì tại các dự án này đã để gần 1.200ha rừng bị đốn hạ, gây thiệt hại hơn 138 tỷ đồng.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua việc quản lý, bảo vệ rừng tại một số dự án nông, lâm nghiệp thực sự chưa tốt.

 “UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan có thẩm quyền, kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng còn lại tại một số dự án, nếu dự án nào thực hiện không tốt thì sẽ tiến hành thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm lâm luật”, ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.
.