Sạt lở đất ở hồ thải quặng đuôi Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Những ngày qua, nhiều hộ dân có đất canh tác gần hồ thải quặng đuôi Nhà máy Alumin Nhân Cơ (thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đang hết sức lo lắng bởi sau đợt mưa kéo dài vừa qua, nhiều diện tích rẫy, vườn trồng sầu riêng, cà phê và tiêu đã bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng…
- Liên quan đến sự cố tràn hồ chứa nước bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ
- Làm rõ nguyên nhân sạt lở khu chứa bùn đỏ Alumin Nhân Cơ
Ngày 22-8, trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, đang phối hợp với các ngành chức năng, Công ty Nhôm Đắk Nông khảo sát, kiểm tra việc sạt lở đất ở hồ thải quặng đuôi Nhà máy Alumin Nhân Cơ (thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông) làm ảnh hưởng đến hàng chục ha cây trồng cà phê, sầu riêng, cao su, hồ tiêu của người dân tại thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp.
Một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, ông Nguyễn Tấn Chung (trú thôn Quảng Bình) cho biết, chỉ sau một đêm thức dậy, hơn 5 sào cây trồng của gia đình ông bỗng bị sạt lở, vùi lấp về hướng hồ thải quặng đuôi nhà máy tuyển quặng, thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Tại hiện trường, hàng trăm cây cà phê, trụ hồ tiêu bị sạt, đổ và vùi lấp dưới bùn đất, có nơi bị vùi hơn 1 mét. “Hai năm nay, hồ tiêu, cao su xuống giá, gia đình tôi tập trung tiền bạc đầu tư, chăm sóc mất mấy trăm triệu đồng. Khi cây trồng vừa xanh tốt, sắp cho thu bói thì bị sụt lún, hư hại hoàn toàn”, ông Chung xót xa.
Nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở nghiêm trọng |
Theo ông Chung, nguyên nhân chính là do đợt mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 8-2019 khiến đất đai bị cuốn trôi, thiếu kết dính. “Tuy nhiên, mấy năm nay mưa có lớn mấy cũng không có xảy ra việc sạt lở như thế này. Từ khi phía Nhà máy tuyển quặng (thuộc nhà máy Alumin Nhân Cơ - PV ) đào một con mương sát đất canh tác của gia đình tôi thì mới xảy ra sự cố”, ông Chung nghi ngờ nói.
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Hà (trú cùng thôn) cũng có hơn 5 sào đất bị sạt lở khiến hàng trăm cây cà phê, cao su bị vùi lấp, gãy đổ ngổn ngang.
“Hiện gia đình tôi và các hộ bị thiệt hại đã gửi đơn đến UBND xã Nghĩa Thắng và Công ty Nhôm Đắk Nông để yêu cầu làm rõ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân do cuộc sống của gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào đất rẫy này thôi, giờ bị hư hại lấy gì mà sống”, chị Hà kiến nghị.
Trả lời về việc này, ông Lê Thế Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp cho biết, UBND xã đã nhận được đơn trình báo của người dân. “Sau khi nhận đơn, xã đã cử cán bộ địa chính trực tiếp xuống hiện trường, phối hợp với người dân để kiểm tra và lập biên bản. Chúng tôi sẽ cùng các ngành liên quan, Công ty Nhôm Đắk Nông vào trực tiếp kiểm tra, đánh giá hiện trạng để có giải pháp khắc phục”, ông Truyền nói.
Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị gãy đổ, vùi lấp, hư hại nặng |
Cũng theo ông Thắng, hồ thải quặng đuôi là hồ chứa nước, bùn của nhà máy tuyển quặng. Cụ thể, sau khi quặng thô từ khai trường đưa về sẽ được tuyển rửa rồi mới đưa lên băng chuyền về Nhà máy Alumin cách đó nhiều cây số để xử lý thành Alumin. Hồ chứa này chỉ có bùn và nước rửa quặng thô nên không có hóa chất độc hại. Việc tạo mương ngăn nước ngoại vi là để tránh việc nước mưa tràn vào gây tràn hồ, nước bùn trào ra ngoài gây hoang mang, lo lắng không cần thiết cho người dân.
“Chúng tôi đang thử nghiệm cho múc bùn ở dưới lòng hồ ra để trồng thử cây keo trên diện tích khoảng 2ha và cây phát triển khá tốt. Nếu thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ xả thẳng bùn sau tuyển rửa để san lấp, hoàn thổ, trả lại mặt bằng ở khai trường để trồng cây luôn, không phải xả bùn xuống hồ nữa”, ông Thắng thông tin thêm.