Rửa rau ở nơi nước thải đầy phân bị xử phạt thế nào?

Thứ Hai, 21/03/2016, 13:03
Việc người dân ở xã Yên Hòa - Yên Mỹ - Hưng Yên rửa rau ở rãnh nước thải phân, nguồn nước bị ô nhiễm là vi phạm về các quy định nêu trên, tùy mức độ, tính chất hành vi mà có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Trong những ngày gần đây, người dân được phen lao đao khi nhiều bài viết về tình trạng thực phẩm bẩn, mất vệ sinh ATTP (an toàn thực phẩm) hay người dân rửa rau ở rãnh nước thải phân, mang theo vô số dịch bệnh cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vậy những người trực tiếp làm thực phẩm bẩn, mất vệ sinh có bị xử phạt, chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm?

Người dân rửa rau ở rãnh nước thải phân, nước thải sinh hoạt, bốc mùi hôi thối và đầy rẫy bọ gậy ở xã Yên Hòa – Yên Mỹ - Hưng Yên.

Trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng Luật sư Gia đình- đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Căn cứ điều 13 Nghị định 178/2013NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm quy định về địa điểm hoặc khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

b) Không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Không có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng phù hợp theo quy định;

c) Không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm theo quy định, trừ các hành vi quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;

b) Quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn hoặc thực phẩm tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm và chất độc hại;

c) Không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp trong khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm gây ô nhiễm môi trường;

4. Phạt tiền đối với hành vi không thiết lập và áp dụng hệ thống thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP, SSOP), thực hành nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP), phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện bắt buộc phải áp dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất ban đầu;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hoạt động sản xuất có sơ chế, chế biến, bảo quản.

Căn cứ vào các quy định trên việc người dân trực tiếp trồng rau, sản xuất mà rửa rau ở nguồn nước bẩn, nguồn nước thải phân là vi phạm về các quy định nêu trên, tùy mức độ, tính chất hành vi mà có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra tùy tính chất của hành vi, hậu quả nghiêm trọng mà có thể bị xử lý về mặt hình sự theo quy định tại điều 244 Bộ luật hình sự. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.   Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2.   Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

3.   Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm

4.   Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo quy định nêu trên, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” được coi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và mức độ “hậu quả nghiêm trọng” ở đây được thể hiện bằng việc “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, đa số các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay, bao gồm cả những hành vi nguy hiểm như sử dụng hóa chất công nghiệp hay nguyên liệu quá hạn để chế biến thực phẩm… đều ít khi gây hậu quả chết người ngay lập tức nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 244.

Đây là một sự hạn chế của pháp luật hình sự về vấn đề này. Bộ luật hình sự 2016 sắp tới đã có chế tài tăng nặng và nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng luật sư Gia đình – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh).

Cũng đối với địa phương, chính quyền nơi xảy ra tình trạng này, luật sư Trần Minh Hùng cho hay, tại điều 65 Luật an toàn thực phẩm quy định về Trách nhiệm quản lí Nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.

2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

3. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

4. Bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

5. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ý thức của người tiêu dùng thực phẩm.

6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Tại điều 6 luật an toàn thực phẩm quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định trên thì để xảy ra tình trạng người trồng rau rửa rau tại nguồn nước bẩn, nước thải thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã/phường quản lý và những cơ quan này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định nêu trên.

Đoàn Huyền
.
.
.