Phản cảm hình ảnh 'công đức' thái quá

Thứ Sáu, 11/03/2016, 10:00
Dù đã hết tháng Giêng nhưng theo truyền thống, người dân vẫn tìm đến các di tích, đền chùa để đi lễ và du xuân. Đã nhiều năm nay, dư luận tiếp tục phản ứng với hiện tượng tràn lan hòm công đức, làm biến dạng văn hóa tín ngưỡng truyền thống.


Chùa Keo (ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được coi là một trong những ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc với kiến trúc cổ, với những pho tượng lâu đời. Bởi vậy, đây cũng là điểm thu hút đông khách thập phương đi du xuân, lễ chùa. Thế nhưng, có một hình ảnh không vừa mắt nhiều du khách là sự xuất hiện dày đặc hòm công đức. Chỉ trong một khuôn viên nho nhỏ của ngôi chùa, đứng một góc có thể nhìn thấy tới 4 chiếc hòm công đức xếp hàng ngang.

Chị Trần Mai Hương ở Thanh Trì, Hà Nội thắc mắc: “Tại sao nhà chùa lại để nhiều hòm công đức đến vậy. Trông có cảm giác thương mại quá. Tôi nghĩ chỉ cần có một hòm công đức ở gian chính là đủ để khách thể hiện thành tâm, cúng Phật và giúp đỡ tiền dầu nhang cho nhà chùa”.

Ở rất nhiều đền chùa, di tích, ngoài việc đặt các hòm công đức, Ban quản lý còn để trên mỗi ban thờ một đĩa nhựa để dành cho khách đặt giọt dầu. Đó là còn chưa kể đến những điểm bố trí riêng bàn ghi công đức cho khách. Người dân có thể cài tiền vào bất cứ đâu, từ cài vào lọ hoa, đĩa quả, thậm chí là cài cửa nơi thờ tự. 

Thùng nhựa đựng tiền giọt dầu ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Ở đền Bà Chúa Kho, thành phố Bắc Ninh cũng vậy, ngoài hòm công đức còn có đĩa đựng tiền công đức, thậm chí ở mỗi gian chính thờ còn có hẳn một thùng nhựa cỡ lớn, miệng thùng vừa chiếc mâm. Với lượng khách quá lớn, người đi lễ liên tục thả tiền công đức vào đây nên chỉ một loáng chiếc mâm đã chứa đầy tiền lẻ. Thi thoảng, người trông nom đền đi qua lại trút tiền vào thùng như trút lá.

Ở góc độ khác, ý thức người đi lễ là đặc biệt quan trọng khi tạo ra một xu thế mê tín dị đoan, thương mại hóa tín ngưỡng. Thay vì rải tiền lẻ ở nhiều nơi, du khách có thể thay đổi thói quen ứng xử bằng cách để tổng số tiền đó ở một điểm trong khu di tích thì ý nghĩa tâm linh cũng không hề thay đổi. 

Nói về việc đi lễ đầu năm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xãä hội và Nhân văn Quốc gia cũng cho rằng người dân hiện đang quá mê tín và cần thay đổi cách ứng xử văn hóa khi đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Thu Huyền

.
.
.