Quản lý sử dụng tiền công đức: Thiện nguyện, thiện tâm

Chủ Nhật, 15/03/2015, 11:48
Dù không thể rạch ròi tiền công đức như những khoản tài chính khác, nhưng việc quản lý, sử dụng vẫn phải tuân theo pháp luật.
>> Đừng để 'tiền chùa' cũng khóc

Có nhiều luồng quan điểm xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng tiền, vật công đức. Nhiều ý kiến cho rằng, khi người dân đã tự nguyện phát tâm thì chủ cơ sở thờ tự, ban quản lý di tích… có quyền sử dụng nguồn công đức đó. Điều đó không sai. Và, ngay cả khi Thông tư liên tịch số 04/2014 - Thông tư duy nhất hiện nay hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thì vẫn xuyên suốt là quan điểm Nhà nước không quản lý tiền công đức, giọt dầu nhưng tiền này phải công khai, minh bạch. Dù không thể rạch ròi tiền công đức như những khoản tài chính khác, nhưng việc quản lý, sử dụng vẫn phải tuân theo pháp luật.

Ngôi chùa không có hòm công đức

Nằm ở lưng chừng ngọn núi Tiêu (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chùa Thiên Tâm (thường gọi là chùa Tiêu) là danh thắng nổi tiếng, đồng thời là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa của nước ta. Đây là chốn tu thiền, giảng đạo của nhiều bậc cao tăng và là nơi Vạn Hạnh – vị Quốc sư, người đã nuôi dạy vua Lý Công Uẩn trụ trì và viên tịch. Đồng thời, ngôi chùa cũng là nơi lưu giữ bức tượng nhục thân thiền sư Thích Như Trí ngồi trong tư thế kiết già.

Bước từng bậc thang lên sân chùa, du khách cảm nhận được không gian thanh thoát, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Các gian chùa dù rộng rãi nhưng không có một bóng dáng hòm công đức. Ngày rằm tháng Giêng, khách thập phương vào lễ chùa xong tìm đến nơi sư cụ trụ trì Thích Đàm Chính ngồi, xin thụ lộc với vẻ cung kính. Với người này, cụ xin quả roi, người kia cụ xin một quả táo… rồi nhắc các phật tử mang lễ về nhà thụ lộc và tặng mỗi người một miếng bánh đúc do nhà chùa nấu. Hầu hết ai cũng dành một khoản tiền trực tiếp gửi tận tay cụ để mừng tuổi cụ hoặc đóng góp vào việc trùng tu, nâng cấp tượng Quốc sư Vạn Hạnh. Sư cụ vừa nhận vừa giải thích: “Các vị phát tâm, tôi xây dựng đỡ”.

Có lẽ, đây cũng là một trong số không nhiều đợt trùng tu, xây dựng chùa mà nhà sư trụ trì nhận tiền công đức của các phật tử. Bởi đã từ lâu, ngôi chùa Tiêu được lưu truyền là nơi không có hòm công đức, không nhận tiền công đức khi không có việc tu sửa, xây dựng. Có một chiếc tủ kính nhỏ đặt trước cửa chùa được dán giấy thông báo rõ ràng: “Không phải hòm công đức”. Đó là chiếc hòm đựng tiền mua sách của khách. Những cuốn sách nói về lịch sử văn hoá chùa Tiêu, Thiền sư Vạn Hạnh, Nhục thân Thích Như Trí với chùa Tiêu và Gương sáng thầy tu để sẵn trên bàn, có giá phía bìa sau. Khách muốn mua tự lấy sách và thả tiền vào tủ kính, không cần người giám sát.

Người dân đi lễ chùa Tiêu.

Đã 48 năm nay nhà sư Thích Đàm Chính trụ trì ngôi chùa này, được người dân cung kính gọi là cụ. Cụ dùng những lời răn của Phật để nói chuyện với phật tử về tiền bạc, danh lợi. Hỏi cụ sao không để hòm công đức như nhiều nơi cho khách thập phương không phải tìm cụ, cụ cười, đùa rằng: “Tôi không quản được hòm công đức”. Nhưng rồi cụ phân tích: “Khi có việc, cần đến chi tiêu thì tôi mới nhận tiền công đức. Lần kiến thiết này lớn quá nên tôi phải nhờ đến xã phát động trong nhân dân công đức, nhiều ít đều quý. Còn khi đã làm xong việc thì có cho tiền nhà chùa cũng không lấy”. Đó là sự thật. Bởi khi ngồi quan sát những phật tử vào đóng góp cho nhà chùa, chúng tôi cảm nhận được sự chân thành, kính trọng vị sư trụ trì đã ở tuổi cận kề 90 ấy. Và, đó hầu hết là những người dân địa phương - những người hiểu về vị sư trụ trì và cách sử dụng tiền công đức hơn cả.

 Không thể có mô hình chung

Cũng giống như ở chùa Tiêu, thực tế cho thấy ở khắp cả nước vẫn có rất nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng được lòng tin đối với người phát tâm công đức dù người công đức không đòi hỏi phải công khai. Còn ở những cơ sở khác, nhu cầu được biết sự phát tâm của mình được sử dụng như thế nào là chính đáng. Bởi vậy, vẫn rất cần có một sự thống nhất nào đó, hay một quy chuẩn cho việc sử dụng nguồn công đức. 

Bàn về vấn đề này, PGS, TS Lương Hồng Quang nêu quan điểm: “Đứng về mặt quản lý Nhà nước đã có Nghị định, Thông tư liên bộ, có Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng, yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc sử dụng tiền công đức. Song mô hình quản lý thế nào là thích hợp vẫn còn bỏ ngỏ. Do có rất nhiều loại hình di tích với nhiều cơ chế quản lý khác nhau nên việc có một mô hình thống nhất là rất khó, song dù mô hình nào thì cũng phải công khai minh bạch, hướng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản”.

Nhắc khách “không phải hòm công đức” ở chùa Tiêu.

Ông lấy ví dụ, mô hình quản trị nguồn công đức ở đền Bà Chúa Kho, làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh như hiện nay là rất tốt, nhưng chưa ổn. Tiền công đức ở đền Bà Chúa Kho được Hội Người cao tuổi quản lý rất chặt chẽ, không sơ sẩy được một đồng. Việc kiểm tra, giám sát ở đây được thực hiện rất tốt, ai không nghiêm túc sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Số tiền công đức được sử dụng cho tu bổ, trông nom, quản lý di tích và làm từ thiện, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương… Tuy nhiên, số tiền công đức chỉ được sử dụng bó gọn trong cộng đồng làng Cổ Mễ cũ, chính quyền địa phương có một vai trò rất hạn chế.  PGS, TS Lương Hồng Quang cho rằng: “Về quản trị thì nên học ở đền Bà Chúa Kho, nhưng còn tính đóng kín thì không nên học”.

Nói về giải pháp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng đưa ra quan điểm: “Ở đây có 2 phương diện cần phân biệt: Những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo là Di sản văn hoá, là Di tích văn hoá lịch sử Quốc gia và những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa là Di sản hoặc Di tích văn hoá Quốc gia hoặc cấp tỉnh. Những cái trên thì phải quản lí theo Luật Di sản, tức là từ tổ chức đến điều hành đều phải có các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, kể cả tiền công đức, vấn đề minh bạch tiền công đức là bắt buộc theo luật. Những cái sau thì theo tinh thần thoả thuận giữa dân chúng địa phương và trụ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nói chung, cần có quy định rõ ràng cho từng phương diện một. Sau khi đã quy định thì tất cả phải thượng tôn pháp luật, không có bất cứ tín ngưỡng nào được phép chống lại, làm ngược lại pháp luật Nhà nước, pháp luật quốc gia.

Tôi nhớ câu chuyện mà sử sách ghi lại: Lý Công Uẩn lên ngôi, đi kinh lý về Phù Đổng, sư Đa Bảo gọi Thánh Gióng bảo: Sao không ra mà chào tân thiên tử. Thánh Gióng ra chào và xin được làm đền thờ. Lý Công Uẩn cho xây đền và phong là Xung Thiên Thần Vương. Thánh cũng phải xin vua. Không có chuyện pháp luật Nhà nước không được tôn trọng.

Nghiên cứu trên cơ sở những mô hình quản lý tốt, những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được đặt niềm tin của người phát tâm công đức và sự đóng góp ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, quản lý về văn hoá, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ có được giải pháp hợp lý để hoạt động công đức giữ được nét đẹp truyền thống mà không làm “biến dạng” di tích, “biến dạng” giá trị văn hoá dân tộc và tình người trong xã hội hiện đại.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức:

1. Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

(Điều 7, Thông tư 04/2014/TTLT-BVNTTDL-BNV)

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.