Những tình tiết tăng nặng trong vụ xe tải tông xe khách làm 13 người tử vong

Thứ Năm, 11/05/2017, 08:31
Mặc dù vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe tải mang BKS 77C-13937 và xe khách mang BKS 18B-01832 rạng sáng ngày 7-5 tại đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã trôi qua mấy ngày nhưng đến nay dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng bởi hậu quả để lại quá thương tâm.


Mặc dù lái xe tải gây tai nạn vẫn đang bị thương nặng nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi, với những thông tin bước đầu mà cơ quan chức năng thu thập được thì lái xe tải sẽ bị xử lý theo quy định nào của pháp luật. 

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 10-5, luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An, Hà Nội phân tích, đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo đúng quy định.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai công bố, cả xe khách và xe tải đều đang trong thời hạn kiểm định, lái xe tải Võ Ngọc Quý (27 tuổi, trú huyện Phù Cát, Bình Định) âm tính với ma túy.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa xe tải BKS 77C-13937 và xe khách BKS 18B-01832.

Tuy nhiên, với thông tin mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong mấy ngày qua về vụ tai nạn này, hành vi của lái xe tải gây ra ngày 7-5 tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khiến 13 người chết và hơn 30 người bị thương, dưới góc độ pháp lý, ngoài nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Dân sự thì hành vi của lái xe tải còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19-6-2009 được quy định như sau: 

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Đối chiếu quy định trên đây cùng tình tiết vụ tai nạn giao thông này, hành vi của lái xe tải đi ngược chiều với tốc độ 105km/h (trong khi tốc độ cho phép trên tuyến đường là 50km/h) va chạm với xe khách khiến 13 người tử vong, hơn 30 người bị thương đã cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS trên đây.

Luật sư Lê Văn Quý

Phân tích rõ hơn quy định pháp lý ta thấy: Hành vi gây tai nạn này đã xâm phạm trực tiếp sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (Khoản 17, Điều 3, Luật giao thông đường bộ 2008).

Quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, về bảo đảm an toàn trong hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ như quy định về: Việc chấp hành báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách giữa các phương tiện tham gia giao thông; sử dụng làn đường; vượt xe; tránh xe đi ngược chiều, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy, tỷ lệ nồng độ cồn trong máu, Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ, vi phạm các quy tắc về giao thông đường bộ…

Chủ thể của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết định khung tăng nặng: Tại khoản 3, Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, thì: “Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 202 BLHS là thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

a) Làm chết từ ba người trở lên; 

b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này; 

c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này; 

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; 

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%; 

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng; 

g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.

Nguyễn Hương
.
.
.