Vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “Bảo Xuân”:

Nghịch lý Cục Sở hữu trí tuệ thua kiện

Thứ Hai, 22/08/2016, 09:45
Chủ cơ sở một nhãn hiệu đã bị kết luận là xâm phạm sở hữu trí tuệ bỗng chốc làm đơn khởi kiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Điều bất ngờ hơn nữa là chính cơ sở đã bị xử lý vi phạm về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại thắng kiện trong phiên xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Hậu Giang.


Phán quyết của phiên tòa đã gây bức xúc dư luận. Bởi vậy sau phiên tòa, Viện Kiểm sát tỉnh Hậu Giang có quyết định kháng nghị bản án. Cục Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp có liên quan đều có đơn kháng cáo. Dự kiến, ngày 29-8-2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ xét xử phúc thẩm vụ khiếu kiện đặc biệt này.

Bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn vi phạm

Năm 2009, Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân có trụ sở tại Lô A18/D7, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội phân phối sản phẩm Bảo Xuân với công dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ.

Trước đó, doanh nghiệp này đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Bảo Xuân” tới Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp giấy chứng nhận vào ngày 6-1-2010 theo Quyết định số 254/QĐ-SHTT. 

Sản phẩm “Bảo Xuân” của Cơ sở Ngân Anh (trái) được cho là dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm “Bảo Xuân” của Công ty Ích Nhân (phải) đã được bảo hộ.

Sản phẩm Bảo Xuân theo chứng nhận bảo hộ thuộc danh mục nhóm 5 (dược phẩm, thuốc đông y, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế). Trong các năm 2011, 2012, Công ty Ích Nhân tiếp tục được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình ảnh”.

Trong khi thương hiệu “Bảo Xuân” đã lưu hành rộng rãi trên thị trường và được nhiều người biết đến là một sản phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ thì năm 2012, một sản phẩm mới cũng mang tên “Bảo Xuân” xuất hiện.

Sản phẩm mới này tuy không phải là thực phẩm chức năng mà là mỹ phẩm của Cơ sở Ngân Anh ở ấp Đông Thuận, Đông Thạnh, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Cho rằng mình bị xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ, Công ty Ích Nhân khiếu nại lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Quyết định từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.

Để có cơ sở khiếu nại, Công ty Ích Nhân đã đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định “dấu hiệu “Bảo Xuân”” được trình bày trên vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm kem dưỡng trắng, tái tạo phục hồi da, kem trị nám, tàn nhang… Cơ sở Ngân Anh. Bản Kết luận giám định số NH294-12 YC/KLGĐ cho biết, các mẫu giám định: “tương tự gây nhầm lẫn” và “là yếu tố xâm phạm bản quyền” đối với nhãn hiệu được bảo hộ “Bảo Xuân”.

Thời gian sau đó, cơ quan chức năng như Quản lý thị trường đã có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở bán và phân phối mỹ phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh. Đồng thời, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tổ chức để hai bên là Công ty Ích Nhân và Cơ sở Ngân Anh tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa.

Trong biên bản làm việc ngày 9-11-2012, đại diện Cơ sở Ngân Anh cam kết dừng sản xuất, kinh doanh và thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” nhưng sau đó vẫn tiếp tục tung sản phẩm ra thị trường.

Đề nghị bác yêu cầu khởi kiện  

Ngày 27-7-2011, Cơ sở Ngân Anh đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bảo Xuân”. Sau thời gian dài kiểm tra, xác minh, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp chứng nhận nhãn hiệu “Bảo Xuân” cho Cơ sở Ngân Anh theo Quyết định 11692/QĐ-SHTT ngày 26-2-2015 do Phó Cục trưởng Trần Hữu Nam ký. 

Lý do từ chối là do nhãn hiệu này “tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu “Bảo Xuân” đã được thừa nhận sử dụng rộng rãi theo Đăng bạ quốc gia số 140154, 180951 và 172843 của Công ty TNHH dược phẩm Ích Nhân…”. 

Do không đăng ký được nhãn hiệu, bà Phạm Hồng Phượng, chủ Cơ sở Ngân Anh làm đơn khởi kiện Cục Sở hữu trí tuệ, yêu cầu hủy Quyết định số 11692/QĐ-SHTT ngày 26-2-2015. Căn cứ để Cơ sở Ngân Anh khởi kiện là nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Cơ sở Ngân Anh thuộc nhóm 3 (danh mục hàng hóa là mỹ phẩm). Trong khi đó, nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Công ty Ích Nhân lại thuộc nhóm 5 (thực phẩm chức năng…).

Ngày 22-9-2015, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hậu Giang xét xử sơ thẩm vụ kiện trên, tuyên hủy Quyết định 11692 vì: “Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký thay Cục trưởng với tư cách là cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định là sai thẩm quyền”.

Đồng thời, HĐXX cho rằng sản phẩm đăng ký của Cơ sở Ngân Anh là mỹ phẩm không trùng lập với sản phẩm của nhãn hiệu được bảo hộ là dược phẩm, thuốc đông y, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế, cách sử dụng của hai sản phẩm cũng khác nhau.

Không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Hậu Giang, ngày 5-10-2015, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 69/QĐKN-P10 kháng nghị toàn bộ bản án số 13/2015/HC-ST ngày 22-9-2015 của TAND tỉnh Hậu Giang. 

Bản kháng nghị khẳng định, bản án của TAND tỉnh Hậu Giang tuyên hủy Quyết định số 11692 của Cục Sở hữu trí tuệ là chưa đủ căn cứ kể cả về thẩm quyền ban hành quyết định và xác định đối tượng khởi kiện. 

Căn cứ vào các chứng cứ được thể hiện trong hồ sơ vụ kiện, các chứng cứ mà đương sự cung cấp tại phiên tòa và kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện KSND tỉnh Hậu Giang khẳng định Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bảo Xuân” cho Cơ sở Ngân Anh là có căn cứ, đồng thời đề nghị TAND tối cao xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Cơ sở Ngân Anh, giữ nguyên Quyết định số 11692. 

Vụ việc tranh chấp nhãn hiệu trên đã kéo dài suốt 4 năm qua, ảnh hưởng lớn đến các bên liên quan. Mong rằng Hội đồng xét xử trong phiên tòa phúc thẩm sẽ có phán quyết chuẩn xác để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp đã được nhà nước bảo hộ.

Việt Hà
.
.
.