Sẽ rà soát toàn bộ phi công nước ngoài tại Việt Nam

Thứ Hai, 29/06/2020, 18:50
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết cơ quan này đang rà soát đội ngũ phi công nước ngoài và sẽ báo cáo Bộ GTVT trước ngày 31-7 và sẽ rà soát toàn bộ tổng thể phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.


Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số người lái nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có 309 người lái (chiếm 25,7% trên tổng số 1.203 người lái); hãng hàng không Jetstar Pacific có 145 người (chiếm 70,3% tổng số 206 người lái); hãng hàng không Vietjet có 622 người (chiếm 75,6% trên tổng số 823 người lái) và hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) có 147 người (chiếm 58,6% trên tổng số 251 người lái).

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tổng số có 27 người lái là người Pakistan được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cho các hãng hàng không của Việt Nam (bao gồm Vietnam Airlines là 6 trường hợp, Vietjet Air có 17 trường hợp, Jetstar Pacific là 4 trường hợp). 

Trong 27 trường hợp này, có 12 trường hợp đang bay khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam và 15 trường hợp còn lại đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước.

Phi công Việt trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia

Thông tin thêm, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết: Trên thế giới, việc sử dụng phi công nước ngoài là rất bình thường. 

“Quan trọng không phải là sử dụng phi công nước nào là phải quản lý chặt chẽ đội ngũ phi công này để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tuyệt đối trong hàng không”, ông Thắng nói và cho hay: Các phi công Pakistan hoạt động khai thác bay tại Việt Nam chưa hề gặp bất cứ sự cố nào. Cục Hàng không đánh giá họ là phi công tốt. 

Tuy nhiên, với trách nhiệm thận trọng, Cục đã chỉ đạo tạm dừng xếp lịch cho các người lái là người Pakistan làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và ban hành các công văn yêu cầu các hãng tạm thời không phân lịch bay cho các người lái nêu trên để chờ xác minh chính thức từ nhà chức trách Pakistan.

“Nếu phía Pakistan khẳng định tất cả những phi công này được cấp bằng một cách hợp pháp, hợp tiêu chuẩn quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cho phép phi công họ bay lại. Trường hợp phi công không đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ, Cục Hàng không sẽ thu hồi ngay,” ông Thắng khẳng định.

Đề cập đến công tác kiểm soát chất lượng phi công nước ngoài, theo ông Thắng, phi công được bay là đã đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn, quy trình chung thống nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mới cho phép bay khai thác và tất cả các thành viên ICAO đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn này.

“Tất nhiên là có trường hợp đáng tiếc như việc Pakistan phát hiện một số lượng lớn phi công của nước này sử dụng giấy phép do Nhà chức trách hàng không cấp không đúng chất lượng và cách thức (có thể là giấy phép giả) xảy ra và bản thân phía nước họ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này một cách có trách nhiệm với cộng đồng hàng không quốc tế. 

Ông Thắng cũng chỉ rõ các quy trình cấp phép và năng định cho người lái nước ngoài tuân thủ theo Bộ quy chế An toàn hàng không Việt Nam.


Phạm Huyền
.
.
.