Lãng phí từ các khu tái định cư bỏ hoang, không có người ở
- Trong các khu đô thị mới: Ảm đạm những ngôi nhà bỏ hoang
- Hàng chục ngôi nhà bỏ hoang giữa nội thành Hà Nội
Năm 2008, khu TĐC thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế phê duyệt quy hoạch trên tổng diện tích 30ha, do Ban Quản lý kinh tế Chân Mây - Lăng Cô làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện xây dựng giai đoạn 1 ước tính khoảng 40 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô: Khu TĐC được xây dựng để di dời 150 hộ dân thuộc dự án khu cao ốc phức hợp ở đầm Lập An và một số dự án khác trên địa bàn đến ở. Mặc dù việc xây dựng khu TĐC đã hoàn thành từ nhiều năm qua, với hệ thống đường giao thông, điện, nước, đèn chiếu sáng đầy đủ... nhưng đến nay, khu TĐC này vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Hàng trăm lô đất đã được phân giới, cắm mốc chỉ để làm nơi người dân chăn thả trâu, bò.
“Dự án đã phê duyệt, nhưng vì chủ đầu tư không triển khai xây dựng, bỏ phí thời gian dài dẫn đến bị thu hồi, khu TĐC cũng vì thế mà bị “treo”. Đến nay, mới chỉ có một số hộ dân chuyển đến xây dựng nhà cửa sinh sống nên địa phương đang tìm phương án giải quyết vướng mắc này”, ông Giảng nêu rõ nguyên nhân.
Không những ở thị trấn Lăng Cô, mà trên địa bàn huyện Phú Lộc còn có nhiều khu TĐC khác thuộc các dự án khu nghỉ dưỡng, resort... bị bỏ hoang gây lãng phí. Điển hình, khu TĐC ở thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc).
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho hay, khu TĐC của xã được xây dựng từ năm 2007 trên diện tích 35ha, chia làm 600 lô với kinh phí 40 tỷ đồng để làm nơi ở cho hàng trăm hộ dân của xã khi nằm trong vùng quy hoạch các dự án Laguna; khu nghỉ dưỡng ven biển của Công ty Thiên Đường, Hòa Bình... Thế nhưng, sau 7 năm đưa vào sử dụng thì đến nay mới chỉ có khoảng 10% lô đất ở khu TĐC được các hộ dân đến ở; số lớn còn lại bỏ hoang trong tình trạng cỏ dại mọc um tùm.
Một hộ dân ở khu TĐC xã Lộc Vĩnh, cho biết: “Gia đình tui chuyển về khu TĐC này sinh sống được 6 năm rồi, song chỉ nhận có 200m² đất làm nhà, còn đất sản xuất thì chủ dự án chưa cấp, do không có quỹ đất. Đây là lý do mà nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án nhưng không chịu di dời khiến khu TĐC bỏ phí”.
Khu TĐC thủy điện A Lin chỉ có một vài hộ dân đến ở, còn lại bỏ hoang. |
Tại huyện miền núi A Lưới, khu TĐC thủy điện A Lin được xây dựng trên 13 tỷ đồng ở thôn A Năm, xã Hồng Vân cũng trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tôn, cán bộ địa chính xã Hồng Vân cho hay:
Cuối năm 2009, Công ty CP thủy điện Trường Phú khởi công xây dựng thủy điện A Lin. Theo đó, có 242 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố... bị mất đất với tổng diện tích thu hồi là 400ha. Thời điểm ấy, gần 40 hộ dân nằm trong danh sách di dời đến khu TĐC A Lin nhưng đến nay, chỉ mới có 3 hộ dân đến ở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu TĐC “tiền tỷ” bị bỏ phí suốt bấy lâu nay.
Ông Hồ Anh Tuấn, một trong 3 hộ dân ở thôn A Năm vừa chuyển đến khu TĐC A Lin sống trình bày nguyên nhân: “Bình quân mỗi ngôi nhà TĐC được chủ đầu tư xây dựng với kinh phí 70 triệu đồng, nhưng dân chưa vào ở thì nhà đã hư hỏng, sụt lún nền và tốc mái. Nhiều hộ dân chấp nhận đến nơi khác sống hoặc ở nhà tạm chứ không chấp thuận vào khu TĐC”.
Về vấn đề này, ông Hồ Xuân Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân, nhận định: “Khu TĐC A Lin bỏ hoang nhiều năm qua đã gây ra sự lãng phí cả về tiền của xây dựng lẫn đất đai của xã. Hiện xã đã làm đơn gửi lên UBND huyện để yêu cầu có biện pháp giúp đỡ cho các hộ dân thuộc diện di dời vì thủy điện có đất ở để an cư. Mặt khác, cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi xây dựng nhà TĐC không đảm bảo chất lượng...”.