Kinh hoàng núi rác Cam Ly “nuốt chửng” đất đai, hoa màu
- Đối thoại với người dân về lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa
- Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch nhận trách nhiệm vì "để rác thải y tế lọt ra ngoài"
- Rác thải nhựa đang gây ra “cái chết từ từ”
Đứng giữa bãi rác, bà Hồi bật khóc nức nở. Từng giọt nước mắt dàn dụa lăn lả chả trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ 53 tuổi. Sau giây phút xúc động, thất thần, bà chỉ xuống dưới chân mình, nói trong nước mắt: “Gần 2.000m2 hoa cẩm tú cầu vừa cho thu hoạch bói được hai lần, là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình tôi đang ở dưới lớp rác này!...”.
Chất thải từ đỉnh đồi cao đổ ập xuống vùng sản xuất nông nghiệp của bà con |
Thật khó có thể nhận ra nơi chúng tôi đang đứng lại chính là vùng sản xuất nông nghiệp suốt gần 30 năm qua của không ít gia đình. Phải mất nhiều phút quan sát, chúng tôi mới nhận ra sâu dưới lớp rác thải khủng khiếp này chính là vườn hoa cẩm tú cầu của gia đình bà Hồi.
Ông Thoan thì bình tĩnh hơn, kể lại sự việc: “Chúng tôi sản xuất nông nghiệp ở đây từ năm 1990. Đầu năm nay, vợ chồng tôi vay mượn, bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiêu, mua giống và trồng hoa cẩm tú cầu. Vừa thu hoạch bói được hai lần, bán mỗi cành được 6.000 đồng. Sáng sớm ngày 8-8, hàng chục nghìn tấn rác thải từ bãi rác Cam Ly trên đỉnh quả đồi cuồn cuộn đổ xuống. Vùi lấp tất cả!..”. Ông Thoan cố nén xúc động và kết thúc câu phỏng vấn của chúng tôi: “Giờ thì mảnh đất cắm dùi này cũng bị rác thải “ăn” hết sạch rồi!.. Trắng tay!..”.
Bà Lê Thị Hồi bật khóc khi toàn bộ hoa màu đã bị chất thải vùi lấp |
Nghĩ về tương lai, ông Thoan ngao ngán chưa biết làm gì để có thu nhập trang trải cuộc sống. Đi làm thuê thì vợ chồng ông nay đều đã sang tuổi “sức cùng, lực kiệt”.
Anh Nguyễn Hữu Vũ (SN 1987), chỉ tay về phía nhà kính đã sập đổ, xiêu vẹo vì bị rác thải lấn áp, xót xa cho biết: “Sáng 8-8, từng đống rác thải khổng lồ từ trên đỉnh đồi lăn ầm ầm xuống. Chỉ trong vòng nửa buổi, rác đã vùi lấp gần 2.000m2 hoa cúc, trong đó có một nửa đã đến ngày cho thu hoạch”. Mất sạch hoa màu, đất đai cũng bị rác thải vùi lấp sâu tới 4-5m, gần như không thể khắc phục, mấy ngày qua vợ chồng anh Vũ cứ đi ra đi vào mà lòng đau như cắt.
Ông Nguyễn Hữu Trầm (SN 1959) cho biết, núi chất thải rắn ầm ầm đổ xuống trong mưa lũ đã gây hư hỏng cho gia đình ông khoảng 1.000m ống dẫn nước lớn nhỏ. Gia đình bà Trịnh Thị Nga (SN 1978) và ông Trần Su (SN 1976) cũng bị chất thải của bãi rác Cam Ly đổ xuống gây vùi lấp của mỗi gia đình khoảng 300m ống dẫn nước tưới nông nghiệp.
Theo quan sát của PV Báo CAND, hàng nghìn mét khối chất thải rắn từ bãi rác Cam Ly trên đỉnh một quả đồi cao khoảng 60m dựng đứng đã đổ xuống dưới thung lũng, bao trùm lên vùng sản xuất nông nghiệp của người dân. Chất thải từ trên cao đổ xuống, lăn thành vệt kéo dài tới hơn 1km. Chỗ hoa màu bị chất thải chôn lấp sâu nhất lên tới 4-5m.
Nước chảy ra từ bãi rác đen xịt, nồng nặc mùi, theo dòng suối chảy xuống khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn phía hạ lưu, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và lây lan dịch bệnh.
Ông Vũ Duy Thoan đứng trên khu vực đất nông nghiệp, hoa màu vừa bị chất thải vùi lấp |
Theo quy định, chất thải rắn sau khi thu gom đưa về bãi rác Cam Ly bắt buộc phải chôn lấp. Thế nhưng, theo người dân sinh sống, sản xuất trong khu vực, nhiều năm qua, chất thải được đưa về đây đổ ngay trên đỉnh đồi, sau đó đơn vị vận hành lợi dụng độ cao dùng xe cơ giới ủi đẩy thẳng xuống phía dưới mà không hề chôn lấp. Chính vì vậy, đợt mưa lũ vừa qua, nước lớn đã cuốn phăng hàng nghìn mét khối chất thải rắn đổ xuống dưới thung lũng, phá hủy hoàn toàn nhiều diện tích hoa màu của bà con.
Gương mặt thất thần của nhiều người có đất bị chất thải từ bãi rác Cam Ly vùi lấp |
Đại diện UBND phường 5, TP Đà Lạt cho biết, diện tích hoa màu của các hộ bị chất thải từ bãi rác Cam Ly vùi lấp nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng bà con đã tổ chức sản xuất ổn định từ nhiều năm qua. UBND phường 5 đã báo cáo sự việc lên UBND thành phố, đề nghị giao cho phòng chức năng phối hợp với phường tiến hành kiểm tra, xử lý.