Giải cứu đàn bò tót lai "da bọc xương" ở Ninh Thuận
- Nổ súng truy bắt lâm tặc giết bò tót trong rừng Quốc gia Cát Tiên
- Đề nghị Đồng Nai xử nghiêm nhóm giết hại bò tót
- Phát hiện đàn bò tót quý hiếm ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Liên quan đến đàn bò tót lai ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đang lâm vào tình trạng suy kiệt sức khỏe chỉ còn “da bọc xương”, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý 3-2020 trong sáng ngày 1-10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – ông Lưu Xuân Vĩnh cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp giải cứu đàn bò.
Cùng với việc kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn đủ dinh dưỡng, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Ninh Thuận và Vườn Quốc gia Phước Bình sớm tiếp nhận đàn bò từ Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng, đề xuất phương án phù hợp, lâu dài để nuôi dưỡng và phát triển đàn bò tót lai, phục vụ nghiên cứu khoa học.
Trước đó vào giữa năm 2008, một con bò tót giống đực có trọng lượng ước chừng 1 tấn đã rời rừng, xuôi về địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái rồi hòa nhập, sinh sống cùng đàn bò lai của nông dân địa phương đang thả rông trên nương rẫy đồng bào dân tộc Raglai bên chân núi Tà Nin.
Đến đầu tháng 3-2015 con bò tót nêu trên đã chết nương rẫy, nhưng những cuộc giao phối sau hơn 6 năm chung sống với đàn bò lai của nông dân địa phương, đã có hơn 20 con bò tót lai F1 sinh sản, tất cả đều có vóc dáng, trọng lượng và đặc điểm giống như bò tót rừng.
Đàn bò tót lai bị "bó chân" trong chuồng với nước lã, rơm khô nên suy kiệt sức khỏe chỉ còn "da bọc xương" |
Với mục tiêu phát triển đàn bò có giá trị kinh tế cao trong ngành chăn nuôi, đầu năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa phối hợp mua lại từ người dân 10 con bò tót lai giống đực và cái để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa giống bò tót (Bos gaurus) với bò nhà (Bos taurú)”.
Tiếp đó, các nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu cấp Nhà nước : “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”. Quá trình Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng đảm nhiệm nuôi dưỡng, đàn bò tót lại F1 sinh sản được 1 con bò tót lai F2, nhưng thời điểm này Sở KH-CN Khánh Hòa không tiếp tục tham gia đề tài và công trình nghiên cứu nêu trên.
Đến tháng 11-2019, công trình nghiên cứu kết thúc, Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng thuê ông Nguyễn Văn Vinh – một người dân ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chăm nuôi 11 con bò tót lai với mức tiền công mỗi tháng 4 triệu đồng. Do vấp phải nhiều khó khăn, đàn bò gần như bị “bó chân” trong chuồng lâu ngày trong khi nguồn thực phẩm chủ yếu là nước lã, rơm khô nên sức khỏe giảm sút, chỉ còn “da bọc xương” !
Đến chiều 30/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định chuyển giao đàn bò tót lai nêu trên cho Vườn Quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) tiếp nhận nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác.
Theo ông Nguyễn Công Vân – Giám đốc Vườn Quốc Gia Phước Bình, do thiếu hụt thức ăn, nguồn rơm khô không đủ dưỡng chất, vật dụng chứa thức ăn, nước uống cho bò mục nát, hư hỏng, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo, đất trồng cỏ và không gian dành cho bò vận động rất hạn hẹp…nên đàn bò tót lai suy kiệt sức khỏe, teo tóp dần.
Sau khi tiếp nhận, Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng nguồn kinh phí, phân công hai nhân viên chuyên trách chăn nuôi, thú y tập trung chăm sóc, cung cấp thức ăn giàu dưỡng chất như cỏ tươi, cám, ngũ cốc… để giải cứu đàn bò tót thoát khỏi tình trạng suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng. Về định hướng lâu dài sẽ di dời đàn bò tót lai về Vườn Quốc gia Phước Bình để nuôi dưỡng trên diện tích quy hoạch 5 ha, có tán cây rừng từ nhiên, không gian rộng mở, đảm bảo nguồn thức ăn tươi, giàu dưỡng chất…
Dự báo tốn kém rất nhiều chi phí, nhưng các cơ quan chức năng và Vườn Quốc gia Phước Bình vẫn nỗ lực giải cứu sinh mệnh đàn bò tót lai sau khi tiếp nhận từ Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh Lâm Đồng